Đà Lạt đẹp bốn mùa hoa

09:02, 01/02/2017

Đà Lạt - thành phố của tình yêu và nỗi nhớ, không chỉ có gió và sương, có thông xanh và nắng lạnh với những con người hiền hòa, lịch thiệp. Phố núi Đà Lạt còn như một thiên đường muôn màu hoa đua nhau khoe sắc quanh năm. Có lẽ tạo hóa sinh ra các loài hoa để dành riêng cho thành phố cao nguyên này.  

Đà Lạt - thành phố của tình yêu và nỗi nhớ, không chỉ có gió và sương, có thông xanh và nắng lạnh với những con người hiền hòa, lịch thiệp. Phố núi Đà Lạt còn như một thiên đường muôn màu hoa đua nhau khoe sắc quanh năm. Có lẽ tạo hóa sinh ra các loài hoa để dành riêng cho thành phố cao nguyên này.  
 
Sắc tím hoa phượng bên hồ Xuân Hương. Ảnh: V.Báu
Sắc tím hoa phượng bên hồ Xuân Hương. Ảnh: V.Báu
Xuân sang có mai anh đào. Khi những cơn gió heo may thổi đem theo cái lạnh tràn về cũng là lúc những cây mai anh đào ở phố núi Đà Lạt bắt đầu thay lá. Một tín hiệu báo mùa xuân nữa sắp đến. Ở thành phố này, từ ngày mai anh đào rụng lá, ai cũng nóng lòng, đếm ngược thời gian mong mỏi một mùa hoa thật rực rỡ. Với lữ khách gần xa, lúc nào mai anh đào cũng chứa chất những điều lạ lẫm, chờ đợi và dù có vội vàng đến mấy thì bước chân lữ khách cũng sẽ chậm rãi thả hồn vào khung cảnh lãng mạn của sắc hồng mai anh đào khi phố núi Đà Lạt vào xuân.
 
Hè về mùa phượng tím. So với mai anh đào, phượng tím ở Đà Lạt chưa nhiều, thế nhưng sắc đẹp thường không quen đong đếm ở số lượng. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã đủ làm nên nét đặc trưng, riêng biệt của Đà Lạt sang hè. Năm 1962, kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu (SN 1942, quê An Giang) đã mang hạt giống phượng tím về nước, gieo ươm rồi mang nhiều cây con trồng trên đường phố trước chợ Đà Lạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay). Mặc dù được chăm sóc chu đáo nhưng chỉ có 1 cây sống sót, nở hoa màu lam tím, lá kép hai lần và dáng hoa giống hoa phượng nên người địa phương gọi là phượng tím. Về sau, với đam mê sưu tầm, nhân giống các loài hoa lạ, ông Sáu đã nhân giống thành công hàng trăm cây phượng tím, các trung tâm nghiên cứu cũng nhân giống loài hoa này bằng phương pháp nuôi cấy mô rồi đem trồng trên nhiều tuyến đường, trong công viên, khuôn viên biệt thự của nhiều gia đình. 
 
Hoa dại gọi thu sang. Thu Đà Lạt vắng những lá vàng. Mùa thu ở xứ này không rõ ràng, để cảm nhận được nét thu về đòi hỏi sự tinh tế, nhạy cảm của mỗi lữ khách. Đà Lạt sang thu bất chợt những cơn mưa chuyển mùa. Cái se lạnh cùng màn sương đậm giăng mờ khắp lối sau những cơn mưa chiều khiến du khách thích thú. Đà Lạt mùa thu không chỉ có những cơn mưa bất chợt, phố phường được khoác lên một màu xanh mướt mượt mà, Đà Lạt mùa thu còn có cả thêm mùa hoa hoang dại đang đơm bông khắp lối, ở phía ngoại ô kia!... Đó là những thảm cỏ lau hoang dại nở trắng  cả những quả đồi hay những cung đường trập trùng lại bắt đầu nhuộm vàng, thơm ngào ngạt hương hoa mimosa. Rồi màu tím của hoa thạch thảo cũng hiện hữu trên những con đường quanh co nơi phố núi.
 
Sắc vàng hoa quỳ. Ảnh: V.Báu
Sắc vàng hoa quỳ. Ảnh: V.Báu
Dã quỳ biểu tượng mùa đông. Dã quỳ - nữ hoàng của xứ cao nguyên, là loài hoa mọc ven đường nhưng dã quỳ lại có một chỗ đứng riêng biệt với những loài hoa dại khác. Dã quỳ len lỏi tới từng góc phố, con đường. Rồi nó trở thành loài hoa mang biểu tượng đặc trưng của miền đất lạnh mỗi khi lập đông. Cuối năm, những cơn mưa mùa cuối cùng chấm dứt, nắng vàng rực rỡ trải dài khắp Nam Tây Nguyên cũng là lúc dã quỳ bung nở. Từ những con đường nhỏ, tới góc phố thân yêu ở phía ngoại ô đều ngập trong nhan sắc hoang dại của loài hoa vàng. Đứng trên triền đồi cao, nhìn xuống phía thung lũng chỉ thấy loài hoa ấy, vàng ươm, lấn át tất cả. Nét đẹp tự nhiên, hoang dã, bản năng, bao giờ cũng có được sức hấp dẫn kỳ lạ, dài lâu. Do thế, bao nhiêu trăm năm nay rồi, dã quỳ ở xứ Nam Tây Nguyên này vẫn hoang dã, đẹp lạ lùng, kiêu sa mỗi độ đông về. 
 

 

 

 

 

 
VĂN BÁU