Từ Ðà Lạt đến… Furka

09:11, 23/11/2017

Buổi sáng lướt Facebook, thoáng bất ngờ bởi vài bức ảnh chia sẻ của một thanh niên Việt Nam đang khám phá châu Âu. Dưới chân dãy Alpes, trên con đèo Furka, có vài thứ quen thuộc đập vào mắt: bánh răng, đường ray, đầu máy... và hàng chữ to "Xưởng đầu máy toa xe Đà Lạt". 

Được xây dựng năm 1925, tuyến đường qua đèo Furka được coi là một trong những tuyến đường sắt hiểm trở và đẹp nhất Thụy Sỹ. Ảnh: Internet
Được xây dựng năm 1925, tuyến đường qua đèo Furka được coi là một trong những tuyến đường sắt
hiểm trở và đẹp nhất Thụy Sỹ. Ảnh: Internet

Buổi sáng lướt Facebook, thoáng bất ngờ bởi vài bức ảnh chia sẻ của một thanh niên Việt Nam đang khám phá châu Âu. Dưới chân dãy Alpes, trên con đèo Furka, có vài thứ quen thuộc đập vào mắt: bánh răng, đường ray, đầu máy... và hàng chữ to “Xưởng đầu máy toa xe Đà Lạt”. 
 
Tôi khóc dưới gánh nặng oằn vai
Tôi tháo khăn đội đầu lau nước mắt
Sau khi tôi vượt qua ba trạm 
Tim tôi đổ mồ hôi
Tôi dùng áo lau trái tim mình…
 
Lời trong bài hát được cho là của người đồng bào thiểu số Chu Ru - Lâm Đồng thốt lên xuất phát từ tột cùng khổ sai khi bị thực dân Pháp bắt phu làm tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm vào đầu thế kỷ 20. Mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ trên từng centimet cho chiều dài hơn 80 km của tuyến hỏa xa độc đáo bậc nhất thế giới đi vào hoạt động năm 1932. Chuyện đời dâu bể, trải bao thăng trầm cảm xúc, cuối cùng vào năm 1990, thương vụ hồi hương của người Thụy Sỹ dành cho các đầu máy hơi nước bánh răng đã thành công ngoài mong đợi. Chẳng ai hiểu chuyện gì vừa xảy ra? Nhiều người quan tâm từ cái giá quá bèo của những đầu máy, số kia tò mò đến cách mà người Thụy Sỹ vận chuyển về nước như thế nào, người hiểu chuyện đành ngậm ngùi đứt ruột nhìn khối tài sản vô giá lừng lững, ung dung trở về “cố quốc”. 
 
Và chuyện đáng nói là chỉ vài năm sau đó tuyến đường sắt nằm trên đèo Furka đưa du khách vượt qua một trong những cung đường đẹp nhất châu Âu với giá 60 USD/người, đã tái hoạt động bằng chính những “đầu máy hơi nước bánh răng Đà Lạt” từng kiêu hãnh vượt qua cả sự ngoạn mục của địa hình, chở bao buồn vui của thời thuộc địa. Người Thụy Sỹ không quên đính lên đó một tấm bản đồ vẽ năm 1923 kèm vài dòng chữ về lịch sử tha phương rất rõ ràng và đầy đủ, tổng chiều dài 84km , từng con dốc, khúc cong, đoạn răng cưa được ký hiệu, đánh dấu khoa học và chính xác. Các đoạn địa hình độ dốc cao, đầu kéo khởi động bánh răng, khớp với đường bánh răng trên đường ray, nhằm hạn chế tối đa khả năng bị tuột dốc. Các đầu kéo được Công ty đường sắt Đông Dương CFI nhập về bắt đầu từ năm 1924 được sản xuất bởi Công Ty SLM Thụy Sỹ, sản xuất nhượng quyền bởi công ty Maschienfabrick Esslingen Đức, nằm trong chương trình bồi thường của Đức dành cho chính phủ Pháp sau thế chiến thứ nhất. Đáng chú ý có chỗ độ dốc dọc đạt đến trên 12% (đoạn đèo Sông Pha thuộc Ninh Thuận - Eo Gió của Lâm Đồng) ở thời điểm đó nó nắm giữ kỷ lục là tuyến đường sắt có độ dốc dọc lớn nhất thế giới (thứ 2 là 11,8 % trên con đèo Furka mà tôi đang nói). Nhưng hiện tại những con số này đã trở nên vô nghĩa bởi sau giải phóng toàn tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm không còn hoạt động nữa, chỉ còn lại đoạn ngắn khoảng 7 km làm du lịch ga từ Đà Lạt đến Trại Mát. 
 
Ở Đà Lạt, có một ngôi nhà nằm nép mình khiêm tốn dưới gốc thông già, nhà bà Phạm Thị Hoan một người đồng hương làng trên đường Nguyễn Du. Nhìn bên ngoài từ kết cấu đến hình dáng không có gì khác biệt, tuy vậy bên trong mới bất ngờ, ngôi nhà là một toa tàu cũ! Vợ chồng bà mua từ cuối thập niên 80, chồng bà là kỹ sư xây dựng thiết kế, chỉnh sửa lại, đủ chỗ ở cho gia đình bốn người. Điều đáng trân trọng là hiện nay dù có cuộc sống khá giả, nhưng hai ông bà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dỡ bỏ để cất ngôi nhà mới, bởi theo bà nó gắn với gia đình thời gian khó, từ lúc những đứa con lọt lòng đến lúc trưởng thành, biết bao kỉ niệm trong cái toa tàu nhỏ bé này. Bà Hoan tâm sự: “Chúng tôi sẽ sống trong mái ấm này cho đến cuối đời, chỉ sau khi vợ chồng tôi nhắm mắt, bọn trẻ muốn làm gì với ngôi nhà - toa tàu thì làm”. Hỏi ra mới biết bà là công nhân về hưu của Công ty Đường sắt Đà Lạt, phải chăng người phụ nữ bình dị này muốn lưu giữ chút gì đó còn sót lại của lịch sử ngành hỏa xa Đà Lạt một thời vang bóng?
 
Trở lại với chàng trai đang “phượt” trời Âu. Sau khi những bức ảnh được đăng, nhiều bình luận bày tỏ cảm giác nuối tiếc: Nếu như Đà Lạt còn giữ lại được báu vật đường sắt đó chắc chàng trai kia không phải lặn lội đến đây để chiêm ngưỡng, cái mà mười mấy năm trước được bán đi với giá rất rẻ. Và, nếu ai ưa hoài cổ liệu có đủ thời gian, tiền bạc sang tận Thụy Sỹ như chàng trai kia để ngắm nghía, sờ tận tay rồi trầm ngâm tự vấn: “Tại sao họ lại có thể làm được như vậy?”.
 
LÊ TIẾN SỸ