Đà Lạt, tản mạn…

06:07, 23/07/2018

(LĐ online) - Tình cờ, tôi đọc được bài viết của GS.TS. Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), ông cho rằng, nói đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường…

(LĐ online) - Tình cờ, tôi đọc được bài viết của GS.TS. Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), ông cho rằng, nói đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường…
 
Đà Lạt, cà phê hồi niệm
Đà Lạt, cà phê hồi niệm
Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều người tứ xứ miền quê, là kết quả tổng hợp các tinh hoa nhiều vùng, miền để hình thành cho mình nét riêng. Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã “đúc” thành mẫu người Đà Lạt có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi… Trong con người Đà Lạt hôm nay có cái tế nhị, trọng lễ nghi của người đất Thăng Long; có nét quý phái của người cố đô Huế, có sự mộc mạc của người Nam - Ngãi - Bình - Phú… Phong thái người Đà Lạt khá dễ cảm, nhưng gọi tên là gì vẫn còn là chuyện tế nhị.
 
Những người Pháp đến Đà Lạt vào đầu thế kỷ XX đã “tặng” cho thành phố này một câu châm ngôn, đại ý “cho người này niềm vui, người kia sự mát lành” (Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem). Đến Đà Lạt, có lẽ nhiều người đều quyện hòa theo cách sống nơi đây. Từ nhịp bước chân của người rong chơi; từ cách nói năng, cử chỉ… đến “kiểu” ngồi cà phê, gọi tính tiền trong quán xá, đều diễn ra chầm chậm. Chậm nhưng không trễ nải, đó là cái riêng của người Đà Lạt.
 
Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc trong quán cà phê tĩnh lặng, ngắm thành phố trong mưa, để được trôi tím chiều mận hậu, được yên bình giữa những ẩm khách lặng lẽ, thong thả những thanh âm vọng hồn theo tiếng tí tách cà phê rơi, nhìn phố phường những bước chân không đan ríu vào nhau… Ngày thường, Đà Lạt “lặng” đến lạ kỳ. Bởi thế, nên nhà thơ Nguyễn Duy đã “nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi”. 
 
Có lẽ, do khí hậu, môi trường tự nhiên đã ảnh hưởng đến tư tưởng, quan niệm sống và phong thái của người dân xứ này?!  
 
Nhiều người tự vấn rằng, Đà Lạt có gì để sống chậm? Tôi trầm ngâm, thì có mùa Đông phương Bắc, nắng vàng phương Nam quyện hòa thành “nắng lạnh” dịu ngọt; đến Đà Lạt để được đi ngủ sớm và thức dậy muộn; được hít hà vài món ăn nóng thơm nồng giữa đêm lạnh; được “lắng nghe chiều xuống” thành phố mộng mơ và trải nghiệm bốn mùa trong ngày; để không cần mùa, cần tháng… 
 
Du khách đi tìm những giây phút sống chậm. Còn với người Đà Lạt đã là nơi sẵn có. Đà Lạt là thế, đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành… 
 
Đà Lạt mùa mai anh đào
Đà Lạt mùa mai anh đào

 

Sinh viên Đại học Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang
Sinh viên Đại học Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang

 

Đà Lạt tinh khôi và thâm trầm
Đà Lạt tinh khôi và thâm trầm
MAI VĂN BẢO