Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước - hiện đang được hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a (đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ)...
Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước - hiện đang được hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a (đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ). Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông đã vận dụng tốt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức nhằm phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Qua đó, nhiều hội viên, trong đó có hội viên là người dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
|
Những người phụ nữ có kinh nghiệm lâu năm truyền lại nghề cho chị em trong làng tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. |
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Cil Sắc Ly - thôn Đa La, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, một trong những gương phụ nữ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo của huyện Đam Rông nhờ trồng dâu nuôi tằm. Chị Cil Sắc Ly cho biết: “Những năm trước, cuộc sống của gia đình gồm 4 người vô cùng khó khăn, kinh tế eo hẹp, không có vốn đầu tư. Qua tham gia và sinh hoạt tại chi hội phụ nữ, tôi được tiếp cận với nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ tín chấp với mức 40 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có vốn để đầu tư chăm sóc cây dâu tằm, phát triển nghề nuôi tằm. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia vào các lớp tập huấn, hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức để biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Hiện tại, gia đình chị Cil Sắc Ly thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ nghề trồng dâu nuôi tằm, ngoài ra còn thu nhập thêm từ chăn nuôi, sản xuất cà phê. “Hiện nay tôi đã thoát nghèo, tin chắc nhiều hội viên khác cũng sẽ thoát nghèo trong năm tới” chị Cil Sắc Ly tự tin.
Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng việc đào tạo, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vốn đang bị mai một. Chị Liêng Hót K’Ta, Thôn 5, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông cho biết: Trước đây, nghề truyền thống của buôn làng bị mai một, chỉ có vài người già biết dệt. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức lớp dệt thổ cẩm truyền thống cho chị em phụ nữ trong xã. Qua đó, giúp chị em phụ nữ có thêm việc làm lúc nhàn rỗi, thêm thu nhập. Hiện nay, nhiều chị em đã biết dệt thổ cẩm, mong muốn trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ thêm và tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua phát triển du lịch địa phương.
Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông đã chủ động tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chị em phụ nữ. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiên phong trong ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ còn tạo điều kiện tiếp cận vốn đối với các chị em có nhu cầu. Để giúp đỡ cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập, tạo dựng cuộc sống ổn định, Hội tiếp tục thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đã vận động thu hồi gốc đến hạn từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội được trên 69 tỷ đồng và giải ngân được 112 tỷ đồng. Năm 2018, các cấp hội tại địa phương đã giúp được 231 hộ gia đình hội viên thoát nghèo.
Trong phong trào giúp nhau được các cơ sở Hội tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả như: Giúp vốn, con giống, cây giống, ngày công... 6 tháng đầu năm 2019 đã giúp nhau 2.285 ngày công lao động.
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông còn chú trọng công tác xây dựng đời sống tinh thần cho chị em nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục chỉ đạo Hội cơ sở triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả và thu hút được đông đảo hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia. Hội đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể huyện tổ chức lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường tại thôn Pul, xã Đạ K’Nàng. Các mô hình này đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong việc thay đổi cuộc sống theo hướng tiến bộ, dần thay đổi những tập quán cũ.
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông đã xây dựng các chương trình hành động thiết thực, tích cực vận động hội viên phụ nữ có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Chị Phan Thị Cẩm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông, cho biết: “Chúng tôi xác định đào tạo nghề cho chị em phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm. Thấy được tầm quan trọng của điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tập trung hai nhóm đó là đào tạo nghề và hỗ trợ tín chấp thông qua ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp. Trong năm 2019 đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề (nuôi heo đen và trồng dâu nuôi tằm). Song song với phát triển kinh tế chúng tôi còn ra mắt các mô hình, nhằm bảo tồn phát huy nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan gùi, cồng chiêng. Điều này giúp chị em phụ nữ tự tin hơn trong xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng quê hương phát triển”.
ĐẶNG TUẤN