Khẩn trương tích nước đảm bảo cho vụ Đông Xuân

05:11, 28/11/2019

Để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông Xuân 2019-2020, ngành Thủy lợi Lâm Đồng đang lên các phương án điều tiết, tích nước hợp lý, vừa phải đảm bảo an toàn các hồ chứa, vừa phục vụ sản xuất, nhất là vụ Đông Xuân tới. 

Để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông Xuân 2019-2020, ngành Thủy lợi Lâm Đồng đang lên các phương án điều tiết, tích nước hợp lý, vừa phải đảm bảo an toàn các hồ chứa, vừa phục vụ sản xuất, nhất là vụ Đông Xuân tới. 
 
Các hồ chứa nước trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện việc điều tiết, tích nước phục vụ cho vụ Đông Xuân 2019  - 2020. Ảnh: Hoàng Sa
Các hồ chứa nước trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện việc điều tiết, tích nước phục vụ cho vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Ảnh: Hoàng Sa
 
Chủ động điều tiết, tích nước
 
Mùa mưa trên địa bàn tỉnh sắp kết thúc, giai đoạn này việc tích nước các hồ chứa đang được đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương thực hiện. Ghi nhận tại hồ Tuyền Lâm Phường 3, TP Đà Lạt, những ngày này Tổ quản lý hồ Tuyền Lâm được bố trí 3 nhân sự luôn túc trực 24/24 để đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác. Hiện hồ Tuyền Lâm đã tích đủ nước với dung tích khoảng 27 triệu m 3 nước. Đây là nguồn cung cấp cho nhà máy nước Đà Lạt để phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân, đồng thời cấp nước tưới cho 2.750 ha đất canh tác ở Đà Lạt và huyện Đức Trọng.
 
Ông Lê Chí Tuệ, Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Tuyền Lâm cho biết: Những năm gần đây, mực nước tại hồ có sự biến động mạnh nên cần theo dõi sát sao. Nếu như trước đây, dù trời mưa to và kéo dài nhiều ngày thì nước trong hồ có dâng nhưng chậm. Khoảng hai năm nay, mỗi khi trời mưa to, nước đổ về nhanh và trong một ngày có thể dâng lên 20 cm. Nước dâng nhanh nên cán bộ làm việc tại đây phải theo dõi thường xuyên, liên tục báo cáo với cấp trên và chính quyền các địa phương ở hạ du để chuẩn bị các phương án cho những trường hợp xấu nhất. 
 
Hệ thống van điều tiết nước tưới cho hơn 2.700 ha sản xuất nông nghiệp cũng đã được cán bộ trong tổ duy tu, sửa chữa. Van điều tiết được lắp đặt 2 hệ thống cửa. Trong đó, một cửa chính và một cửa dự phòng để đảm bảo công tác sửa chữa khi xảy ra các sự cố.  
 
Tại huyện Đơn Dương, từ đầu mùa mưa đến nay, lượng nước trong các hồ chứa tại địa phương vẫn chưa đạt ngưỡng dâng của đập tràn. Ông Lê Hồng Quang, Phó trạm Quản lý hồ P’ró cho biết: Hiện đơn vị đang khẩn trương thực hiện việc tích đủ dung tích 3 triệu m 3 nước cho hồ, phục vụ tưới tiêu cho diện tích 375 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trước thời điểm mùa mưa kết thúc. 
 
Ông Nguyễn Văn Huề, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi cho biết, thời gian qua, nhờ ảnh hưởng của bão số 5 và số 6 nên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa, lượng nước bổ sung cho các hồ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hiện còn nhiều công trình, hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tích không đủ nước, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt nước. 
 
Cụ thể, hồ chứa nước Đạ Chao, huyện Đam Rông có mực nước hiện tại ở cao trình 527,4 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 2,6 m; hồ chứa nước Yên Ngựa, huyện Đức Trọng mực nước cao trình hiện tại là 923,2 m, thấp hơn 4,95 m mực nước dâng bình thường; các hồ chứa nước Đạ Ròn, BoKaBang, Ma Đanh của huyện Đơn Dương  đang có mực nước đều thấp hơn từ 2,65 - 8,7 m so với mực nước dâng bình thường. Còn tại hồ chứa nước Phước Trung, huyện Cát Tiên, mực nước hiện tại ở cao trình 150,1 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 6 m.
 
Bảo đảm nước cho mùa vụ tới  
 
Hiện mùa mưa trên địa bàn tỉnh sắp kết thúc, nếu lượng nước các hồ thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bố trí sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân của bà con nông dân. Vì vậy, việc tích nước các hồ chứa đang được đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục theo dõi thực hiện. 
 
Ông Trịnh Quang Ứng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết: Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi được UBND tỉnh phân cấp, giao quản lý 48 công trình thủy lợi. Trong đó có 32 hồ chứa nước, 6 đập dâng, 6 trạm bơm và 4 cống dâng. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và quản lý 46 công trình, còn 2 công trình là hồ Phát Chi ở Đà Lạt và hồ chứa nước Thôn 5 (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) đang trong quá trình thi công, chưa được bàn giao. Tất cả công trình do Trung tâm quản lý được thiết kế để phục vụ tưới cho trên 22 nghìn ha đất canh tác.   
 
Bên cạnh đó, Trung tâm đã kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử các thiết bị phục vụ cho xả lũ các hồ chứa, bảo đảm công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, công cụ, thiết bị dự phòng cần thiết, chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Đảm bảo cập nhập thông tin báo cáo, hệ thống thông tin liên lạc 24/24 được thông suốt từ các trạm, chi nhánh, văn phòng Trung tâm.
 
Cũng theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 430 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 47 công trình, còn lại do cấp huyện quản lý. Cũng trong số này, 220 công trình là hồ chứa, 87 công trình là đập dâng và trên 92 đập tạm, 12 kênh tiêu chủ động cấp nước cho vùng canh tác nông nghiệp. Các công trình này đang đáp ứng nguồn nước tưới cho khoảng 43 nghìn ha đất canh tác.
 
HOÀNG SA