Đức Trọng tích cực tìm giải pháp chống hạn

06:03, 16/03/2020

Trước diễn biến phức tạp của mùa khô năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đức Trọng đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chống hạn.

Trước diễn biến phức tạp của mùa khô năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đức Trọng đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chống hạn.
 
Người dân xã Tà Hine phải dùng máy bơm để bơm nước từ hồ Tà Hine 1 về tưới cho cánh đồng lúa, nhưng nước ở hồ Tà Hine 1 cũng dần cạn kiệt
Người dân xã Tà Hine phải dùng máy bơm để bơm nước từ hồ Tà Hine 1 về tưới cho cánh đồng lúa, nhưng nước ở hồ Tà Hine 1 cũng dần cạn kiệt
 
Đã hơn 1 tháng nay, cứ khoảng l lần/tuần anh K’Ny (Thôn 1, xã Tà Hine) lại sử dụng máy bơm để bơm nước từ hồ Tà Hine 1 về tưới cho cánh đồng lúa 1,5 sào của nhà mình cách đó gần 2 km. Anh cho biết: “5 giờ sáng vợ chồng tôi đã ra đây, mỗi lần bơm nước tưới như vậy là phải mất 1 ngày, tốn khoảng 10 lít dầu. Một tuần cũng chỉ được bơm một lần thôi, còn phải nhường cho người khác nữa”.
 
Cùng chung hoàn cảnh, anh Ya Suy (thôn Bliang, xã Tà Hine) cũng cho hay, gia đình anh có 5 sào lúa đang giai đoạn nuôi đòng và hơn 1 tháng nay, một tuần/lần, anh được bơm nước từ hồ Tà Hine 1 về tưới cho cánh đồng của mình. “Mình như vậy là may mắn lắm rồi, vì nhiều gia đình nước không có, cũng không bơm nước tới được phải bỏ luôn ruộng lúa chết khô. Giờ chỉ cầu mong trời mưa thôi, vì nước ở hồ Tà Hine 1 chỉ còn cầm cự được một thời gian ngắn nữa” - anh Ya Suy nói.
 
Theo bà Ma Vương Nai Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, đến đầu tháng 3/2020, hồ Tà Hine 2 của xã Tà Hine đã khô hoàn toàn, 10 ha lúa tại cánh đồng Phú Cao sử dụng nguồn nước tưới tại đây đã khô hạn và mất trắng. Đối với hồ Tà Hine 1, hiện đã xuống mực nước chết, địa phương đã sử dụng máy bơm đưa nước từ hồ về tưới cho khoảng 15 ha lúa đầu nguồn đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông. Còn đối với 45 ha lúa cuối nguồn nước, địa phương đã sử dụng máy tưới do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp bơm nước từ sông Daquyoenđể tưới. Tại thôn Phú Ao, người dân đang ra sức nạo vét các mương, ao, hồ để lấy nước tưới cho lúa, cà phê và rau màu được 2 đợt. “Cách đây 2 ngày, may mắn là nhờ có mưa ở thượng nguồn, nước đã về trạm bơm Phú Ao. Nếu nước theo sông này về theo sông Daquyoen, chúng tôi sẽ cho vận hành máy bơm để tưới cho cánh đồng Tà Hine và Bliang. Hy vọng sẽ sớm có thêm nhiều những cơn mưa nữa để sớm cứu những cánh đồng khô hạn của bà con” - bà Nai Huyền nói.
 
Theo UBND xã N’Thol Hạ, vụ Đông Xuân năm nay toàn xã gieo sạ khoảng 97 ha, tập trung chủ yếu tại các thôn Srê - Đăng, Thái Sơn và thôn Đoàn Kết. Nhờ chủ động được nguồn nước tích trữ từ các hồ chứa: Bon Rơm, Yang Ly, Đa Me và sông Cam Ly nên cây lúa được cung cấp đủ nước, đang trong giai đoạn làm đòng. Một vài diện tích nhỏ xuất hiện bệnh đạo ôn và ốc bươu vàng. Đối với cây trồng lâu năm, toàn xã có 973 ha cà phê, 105 ha dâu tằm và hơn 56 ha cây ăn trái… Hiện, các diện tích cà phê đang trổ bông đợt 3. Để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cây cà phê phát triển và đậu trái tốt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ dân đang tập trung tưới nước và bón phân cho cây trồng. Ngoài việc sử dụng các máy bơm đưa nước từ các hồ chứa về vườn, UBND xã N’Thol Hạ cũng chủ động xả nước vào các hệ thống kênh mương, giúp rút ngắn quãng đường đưa nước từ hồ xuống vườn của người dân.
 
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, chủ động chống hạn cho mùa khô năm nay, xã N’Thol Hạ đang thi công công trình cải tạo hồ Đa Me với tổng mức đầu tư là 2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 1 tỷ đồng và ngân sách huyện 1 tỷ đồng, với các hạng mục chính như: Nạo vét lòng hồ, kiên cố đập tràn và xây dựng hệ thống điều tiết nước. Công trình được hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho khoảng 50 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây công nghiệp của bà con tại các thôn Lạch Tông, Đoàn Kết và Srê - Đăng. Đồng thời, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan khu vực xung quanh hồ.
 
Trước tình hình khô hạn, UBND xã Phú Hội tích cực thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn; tuyên truyền, vận động bà con nạo vét ao, hồ, kênh mương để trữ nước. Đồng thời, tăng công suất hoạt động của trạm bơm Liên Hoa, đưa nước vào các hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất của bà con; điều tiết lượng nước hợp lý, tránh lãng phí, ưu tiên nguồn nước cho các loại cây trồng ngắn ngày... Đối với những chân ruộng thường xuyên bị hạn, ngành chức năng đã khoanh vùng và khuyến cáo bà con không sản xuất để tránh thiệt hại. Ngoài ra, xã Phú Hội cũng đã vận động bà con chuyển đổi hơn 10 ha lúa sang trồng một số cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước của hệ thống thủy lợi. 
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, từ chiều ngày 7/3 trên địa bàn huyện Đức Trọng đã xuất hiện mưa đầu mùa ở một số địa phương như Tân Hội, Liên Hiệp, Tân Thành, N’thol Hạ, thị trấn Liên Nghĩa... Trước thực trạng hầu hết mực nước tại các ao, hồ đang xuống thấp, nguy cơ thiếu nước là rất lớn thì những cơn “mưa vàng” đầu mùa sẽ giúp cho cây trồng ở các địa phương thoát khỏi cơn khát khô hạn. Tuy nhiên, với tình hình nguồn nước hiện tại và thông tin dự báo cao điểm khô hạn năm nay xảy ra vào tháng 3 và nửa đầu tháng 4, thời điểm này, bà con nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí nguồn nước để hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại do hạn hán gây ra.                         
   
 THY VŨ