Trong nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định giảm nghèo bền vững là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân là thường xuyên. Tỉnh ủy cũng đã đặt mục tiêu cho huyện Đam Rông thoát nghèo bền vững vào năm 2025. Đây được xem là “chìa khóa” để huyện Đam Rông thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
|
Mô hình trồng chuối Laba hướng đến xuất khẩu là hướng đi xóa nghèo hiệu quả ở xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông). |
Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là một trong những vấn đề trọng tâm được huyện Đam Rông tập trung thực hiện. Ông Dương Tất Phong - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết: Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đời sống đại bộ phận Nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện cũng vì vậy mà khó khăn thêm chồng chất. Tuy nhiên, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm được huyện Đam Rông tập trung thực hiện. Bởi vậy, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn nhiệm vụ này càng được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện. Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm từ 7,45% xuống còn 5,47%, giảm 1,98%; hỗ trợ xây dựng 102 nhà ở cho hộ nghèo với tổng số tiền là 5,81 tỷ đồng, hỗ trợ tiền điện cho 1.082 hộ nghèo.
Bên cạnh những con số thống kê đáng mừng trong công tác giảm nghèo, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng cũng được chú trọng thực hiện. Theo đó, Đam Rông hiện có 189 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, tổng kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng và các chế độ hỗ trợ khác cho người có công đạt trên 5,55 tỷ đồng. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ; tổng kinh phí chi cho chính sách trợ giúp xã hội năm 2021 đạt trên 7,75 tỷ đồng.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm triển khai thực hiện. Theo số liệu thống kê của huyện Đam Rông, trong năm 2021 đã tạo việc làm mới cho 1.250 lao động; mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 188 học viên tham gia học. Chính sách bảo hiểm y tế được quan tâm đặc biệt, đến nay, đã thực hiện cấp phát 46.370 thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định, tỷ lệ BHYT toàn dân đạt 95,3%...
Ông Dương Tất Phong cho biết thêm, việc địa phương thực hiện hỗ trợ kịp thời cho 6.196 đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 9,307 tỷ đồng, xây dựng phương án, tổ chức đón 7 thai phụ, 6 thân nhân đi cùng và 112 công dân ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trở về địa phương an toàn; tổng hợp danh sách các đối tượng người thuộc hộ nghèo, BTXH, trẻ em từ 3 đến dưới 18 tuổi, người có công với cách mạng để tiêm vắc xin phòng COVID-19... cũng đã đóng góp quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Thành quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy vậy, huyện Đam Rông vẫn nhìn nhận rõ những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện công tác này. Đơn cử như việc thực hiện công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; sự chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần còn cao; người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có sinh kế ổn định để phát triển kinh tế, nguy cơ tái nghèo cao; vẫn còn tình trạng lao động sau khi đào tạo nghề, trình độ tay nghề chưa cao, chưa áp dụng được vào thực tiễn để nâng cao thu nhập, nuôi sống gia đình; vấn đề giải quyết việc làm chưa đạt số lượng và chất lượng đề ra...
Để khắc phục vấn đề trên, huyện Đam Rông xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng. Theo đó, địa phương sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực được phân bổ trong việc thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; xây dựng các kế hoạch, phương án, mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và con người địa phương, giảm cơ chế "cho không", tăng cơ chế "cho vay" để người dân có trách nhiệm hơn trong việc thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước; khuyến khích, phát huy sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Thực hiện việc đào tạo chuyên sâu cho lao động nông thôn và người tham gia xuất khẩu lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy cũng đã đặt mục tiêu cho huyện Đam Rông thoát nghèo bền vững vào năm 2025. Theo đó, địa phương cần tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, thực chất và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tạo sinh kế, đầu tư sản xuất giúp người dân chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu; dạy nghề theo yêu cầu sản xuất, chú trọng một số ngành, nghề phù hợp với trình độ người dân, gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2-2,3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định, việc Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết phát triển Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội để địa phương bứt phá trên nhiều mặt. Trong đó có công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bứt phá tới đâu là do cách tổ chức, thực hiện của cả hệ thống chính trị địa phương. Vì vậy, Đam Rông đang bắt tay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân trên địa bàn.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin