Nhìn lại phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Ðam Rông

05:01, 24/01/2022
Ðẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) là giải pháp quan trọng nhằm giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), tạo nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội; đây là giải pháp được huyện Ðam Rông chú trọng thực hiện.
 
“Ðổi gạo lấy vũ khí” là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Ðam Rông.
“Ðổi gạo lấy vũ khí” là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Ðam Rông.
 
Xác định tầm quan trọng của phong trào TDBVANTQ và căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn, năm qua, huyện Đam Rông đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài lực lượng Công an huyện - thường trực Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ” huyện là chủ lực, phong trào còn có sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện.
 
Để có được sự đồng bộ ấy, công tác tuyên truyền đã được triển khai thường xuyên, đa dạng hóa nội dung phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, tầng lớp dân cư. Trung tá Tạ Hữu Bình, Trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Đam Rông cho biết, trong năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi; tổ chức các cuộc thi trực tuyến, tuyên truyền phòng chống phát tán thông tin xấu, độc; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội…
 
Song song với công tác tuyên truyền, nhiều hình thức triển khai phong trào đa dạng khác cũng đã được thực hiện. Công an huyện Đam Rông đã triển khai có hiệu quả việc vận động Nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua các đợt phát động, quần chúng Nhân dân đã tự giác giao nộp 14 súng các loại, 30 kg pháo, 2 quả đạn pháo, 42 vũ khí thô sơ và các loại khác…
 
Phong trào TDBVANTQ được huyện Đam Rông gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua khác, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Đơn cử như thông qua phong trào “Toàn dân chủ động, tích cực phòng, ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm”, quần chúng Nhân dân đã cung cấp 118 tin (trong đó 110 tin có giá trị, đạt 93,2%), giúp cơ quan công an điều tra khám phá 57 vụ phạm tội về TTXH. Bên cạnh đó, các đoàn thể, khu dân cư đã nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng hình sự, ma túy... Lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ra quân tấn công, trấn áp mạnh mẽ, đánh trúng, đánh mạnh các loại tội phạm hình sự, nhất là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu (trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...), tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức; thu thập, tích lũy thông tin, tài liệu phản ánh hoạt động phạm tội để lập án đấu tranh triệt phá; phân công, phân cấp quản lý chặt chẽ từng đối tượng, địa bàn nhằm phát huy hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ... Qua đó, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, góp phần kéo giảm tội phạm và phục vụ tốt cho công tác điều tra, khám phá tội phạm, khởi tố 52 vụ với 105 bị can. 
 
Phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cũng được đẩy mạnh, có nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị; tập hợp được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh tham gia giữ gìn ANTT.
 
Bên cạnh đó, các mô hình điển hình cũng được xây dựng và nhân rộng, tiêu biểu như: Khu dân cư không có tệ nạn xã hội; Đội thanh niên xung kích; Tổ phụ nữ chấp hành an toàn Luật Giao thông; Tổ Nhân dân tự quản; Tổ tự quản về ANTT; Khu dân cư đảm bảo ANTT; Thanh niên xung kích đảm bảo ANTT; Phụ nữ tham gia bảo vệ ANTT,... Ngoài ra, ở địa bàn dân cư hiện nay còn có các mô hình phát huy hiệu quả như: Tổ COVID cộng đồng, Thôn không có tội phạm; Tổ tuần tra, canh gác bảo vệ mùa vụ; Tổ tự quản bảo vệ ANTT. Công tác nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả thường xuyên được đẩy mạnh. Song song với đó, ngoài lực lượng chuyên trách, các xã còn tăng cường hoạt động của các tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Toàn huyện hiện có 25 tổ an ninh Nhân dân, 32 tổ hòa giải, 9 đội tuần tra “Dân cử, dân nuôi”, 15 tổ tự quản về ANTT. Hoạt động của các tổ chức này đã phát huy tác dụng trong việc tập hợp đông đảo quần chúng tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên từng địa bàn dân cư, làm nòng cốt trong việc hòa giải ở cơ sở. 
 
“Công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ góp phần xây dựng nông thôn mới, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT”, Trung tá Tạ Hữu Bình khẳng định.
 
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định trong thực hiện phong trào này. Trong đó có những hạn chế quan trọng như việc một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo đối với công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức quần chúng làm công tác an ninh, trật tự ở cơ sở còn hạn chế. Việc xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở một số địa phương còn mang tính hình thức, rập khuôn... 
 
Việc đảm bảo an ninh, trật tự vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường trên địa bàn huyện Đam Rông. Bởi vậy, địa phương này cũng đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện nhằm đảm bảo ANTT tại địa phương; đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
 
NGỌC NGÀ