Phải có cành đào thắm trưng trong nhà thì xuân mới đủ, tết mới vui, dương khí mới vượng - từ ý nghĩ ấy, anh Nguyễn Tiến Hồng ở Phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã đưa giống đào Nhật Tân trồng thử nghiệm, rồi nhân rộng thành công giống hoa này tại xứ trà Bảo Lộc và sau đó là xứ hoa Đà Lạt để phục vụ nhu cầu chơi hoa tết của người dân.
|
Anh Hồng đang tranh thủ chăm chút, ngắt tỉa những lá đào già |
Theo chia sẻ của anh Hồng, như bao người gốc Hà Nội khác, tết năm nào anh cũng giữ thói quen chọn mua một gốc đào Nhật Tân để trưng. Trong một lần trồng thử, anh Hồng nhận thấy giống đào này phát triển khá tốt trên đất Bảo Lộc. Thế là anh nảy sinh ý nghĩ trồng hẳn một vườn đào Nhật Tân tại xứ trà Bảo Lộc. “Ấy là năm 2003, trưng Tết xong, tôi mang gốc đào ra sau vườn nhà trồng thử, không ngờ cây phát triển khá tốt, lại còn cho cả hoa. Từ gốc đào đầu tiên này, tôi đã tăng số lượng cây giống lên 5 gốc, năm sau thành 30 gốc, năm tiếp theo là 300 gốc. Cứ thế, số lượng gốc đào tăng qua từng năm. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi cung ứng ra thị trường 4.500 gốc đào, cả ở Đà Lạt và Bảo Lộc”, anh Hồng cho biết.
Chủ nhân của 4.500 gốc đào Nhật Tân nói rằng, để có gốc đào đẹp, nở hoa đúng dịp Tết cổ truyền trên đất Lâm Đồng là cả câu chuyện dài, từ cách trồng, cách chăm sóc, giữ ẩm đến việc tỉa cành, tạo dáng, nhất là kỹ thuật ức chế, ngăn chặn không cho cây phát triển trong một thời gian nhất định, vì thời tiết ở đây rất thuần, không có mùa đông rõ rệt như Hà Nội. Ngoài ra, việc ngắt lá cho đào cũng phải đúng cách, đúng thời điểm, đúng với từng giống cây, bên cạnh chế độ chăm sóc đặc biệt trong thời điểm ngắt lá để nuôi mắt đào, thúc cây ra nhiều nụ hoa. Có như vậy, đào mới cho nhiều nụ, nhiều hoa và nở đúng thời điểm tết. “Với khí hậu, thổ nhưỡng của Bảo Lộc và Đà Lạt, thường trước Tết Nguyên đán khoảng 35 đến 60 ngày (tùy theo giống cây để áp dụng cho phù hợp) là thời điểm tiến hành ngắt toàn bộ lá đào. Lá được ngắt từ gốc lên ngọn. Trong quá trình ngắt lá cần phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh: hãm (nếu đào ra hoa sớm) hoặc thúc (nếu đào ra hoa muộn), tránh việc đào ra hoa bị lệch thời điểm tết”, anh Hồng chia sẻ.
Sau nhiều năm mày mò chăm bẵm, học hỏi kinh nghiệm thuần hóa các giống đào (đào Thất Thốn, đào bích, đào phai, đào đỏ, đào ta...) từ những nghệ nhân trồng đào lão luyện ở làng hoa Nhật Tân (Hà Nội), cũng như những người có kinh nghiệm trồng đào kinh doanh trên đất Lâm Đồng, đến nay, anh không chỉ rành rẽ việc thuần hóa đào, bằng cách cho đào Nhật Tân quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt và Bảo Lộc, rồi mới tiến hành ghép cành nhằm tạo ra cây đào lai gốc khỏe, thân khỏe, còn có thể “bắt” đào nở hoa bất cứ lúc nào mình muốn. Theo anh Hồng, giá đào Nhật Tân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng không có biến động nhiều. Một gốc đào cho thuê có giá từ 1,5 đến 10 triệu đồng, tùy gốc lớn hay nhỏ, thế đẹp hay xấu, hoa nhiều hay ít... Nếu bán nguyên gốc đào thì giá dao động từ 3 đến 20 triệu đồng, cũng tùy thuộc vào kích cỡ, thế cây và hoa nở ít hay nở nhiều. Thời gian gần đây, do nhu cầu của khách hàng, anh còn trồng thêm mai vàng và nhất chi mai kiểu bonsai, nhằm đa dạng các giống hoa chơi tết, phục vụ những người yêu hoa. Anh Hồng cho biết thêm: “Tuy là giống cây mới nhưng nhờ có sắc trắng tinh khiết, biểu trưng cho vẻ đẹp tinh khôi, nên nhất chi mai vẫn được nhiều người yêu thích và săn đón. Bên cạnh đó, mai vàng cũng được nhiều người ưa chuộng”. Theo anh, với một người có gốc gác Hà Nội, việc góp thêm sắc xuân, làm đẹp cho nhiều gia đình bằng những gốc đào Nhật Tân, một biểu tượng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, trồng trên xứ trà Bảo Lộc và xứ hoa Đà Lạt đã là niềm vui trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
TRỊNH CHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin