Nguồn tín dụng ưu việt nâng đỡ người nghèo…

05:06, 10/06/2022
Ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 525-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ Người nghèo (NHPVNN) - nay là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - để giúp người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận. Lúc này, NHPVNN chỉ tham gia ban hành chính sách, còn việc điều hành tác nghiệp ủy thác do Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNN-PTNT) Việt Nam bây giờ) đảm nhận. 
 
Ông Trần Đình Duyên
Ông Trần Đình Duyên
Chúng tôi ghi lại cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Duyên - nguyên Giám đốc NHPVNN Lâm Đồng, nguyên Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng về những ngày đầu hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) tại Lâm Đồng.
 
Dù trực thuộc NHNN-PTNT (bây giờ), nhưng NHPVNN cũng có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ông Duyên khi đó là Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp kiêm Giám đốc NHPVNN tại Lâm Đồng. Ông kể: Lúc đó, tỷ lệ hộ nghèo nhiều hơn bây giờ và nghèo thực sự (không có của ăn, của để); đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào đi kinh tế mới thì càng nghèo. Hoạt động của NHPVNN ở Lâm Đồng tương đối tốt, được Thủ tướng tặng Bằng khen. 
 
Tuy nhiên, hoạt động theo mô hình NHPVNN trong hệ thống NHNN-PTNT khiến NHPVNN không thể phát triển lớn mạnh được, nhất là khi NHNN-PTNT định hướng kinh doanh… Vì vậy, sau 7 năm hoạt động của NHPVNN, nhằm tách TDCS ra khỏi hoạt động tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cũng trong ngày này, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cơ sở tổ chức lại NHPVNN.
 
Vốn điều lệ ban đầu của NHCSXH là 5.000 tỷ đồng và được cấp bổ sung phù hợp với yêu cầu hoạt động từng thời kỳ. Thời hạn hoạt động là 99 năm. Ngày 11/3/2003, NHCSXH chính thức hoạt động… Tại Lâm Đồng, khi tách khỏi NHNN-PTNT, NHCSXH chưa có gì kể cả cơ sở vật chất, mỗi chi nhánh NHNN-PTNT điều ra 3 người dưới huyện, 7 người trên tỉnh cho NHCSXH. Tuy nhiên, NHCSXH được xác định là phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nên được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm ngay từ ban đầu, như cấp đất, giao nhà (làm tài sản) và tạo điều kiện tổ chức các phiên giao dịch...
 
NHCSXH có hai phương thức cho vay là cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác; trong đó, cho vay ủy thác là chủ yếu và luôn chiếm hơn 98% tổng dư nợ. Cho vay ủy thác nghĩa là NHCSXH thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Hội, Đoàn thể) gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội PN), Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn TN) thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). 
 
Những cán bộ NHCSXH Lâm Đồng thời kỳ đầu đều trưởng thành trong công tác
Những cán bộ NHCSXH Lâm Đồng thời kỳ đầu đều trưởng thành trong công tác
 
Tổ TK&VV là một tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Các thành viên (tổ viên) tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; đồng thời, cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Các tổ viên cư trú hợp pháp theo địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi với NHCSXH, ngân hàng đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã (xã/phường/thị trấn). 
 
Điểm giao dịch xã là nơi NHCSXH tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn một xã, được đặt trong khuôn viên trụ sở UBND cấp xã. Phiên giao dịch xã diễn ra vào ngày cố định hằng tháng, kể cả ngày lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần, và chỉ thực hiện giao dịch bù vào ngày khác nếu ngày giao dịch cố định tháng đó trùng vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các ngày giao dịch cố định của từng xã được niêm yết trên website của NHCSXH. Đến nay, cả nước có 10.430 điểm giao dịch xã/10.604 đơn vị hành chính cấp xã.
 
Hoạt động ủy thác ban đầu làm thí điểm với Hội Cựu chiến binh, vì đây là Hội có số thành viên ổn định, có trách nhiệm… sau đó mới phát triển sang các hội khác... Sau những năm đầu khó khăn, hoạt động TDCS ở Lâm Đồng dần phát triển, được cấp vốn và huy động được các nguồn lực từ Trung ương, địa phương, cá nhân, tập thể… Nhân lực được tăng cường, huyện được tăng biên chế lên 10 người thông qua tuyển dụng. Nhiều người làm trong ngành Ngân hàng, có nghiệp vụ đã chuyển sang NHCSXH, nên hoạt động dần ổn định, cán bộ có năng lực. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, NHCSXH phát triển, đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nguồn vốn TDCS khẳng định được tính ưu việt trong nâng đỡ, giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
 
Trải qua chặng đường 20 năm, ông Duyên đã nghỉ hưu được 12 năm (từ 2010), nhưng vẫn theo dõi hoạt động của NHCSXH Lâm Đồng và thấy có sự phát triển liên tục, rõ rệt. Mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo đều được ghi nhận và được tặng thưởng Huân chương Lao động (lần lượt là Hạng III, Hạng II, Hạng I). Đó là kết quả của sự hợp lực, cố gắng, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, CNV của NHCSXH; cũng cho thấy sự sáng suốt trong mục tiêu hoạt động của NHCSXH ở nước ta góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo…
 
Đặc biệt, vai trò của các hội đoàn thể nhận ủy thác và từng cá nhân trong Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, thấy rõ lợi ích và hiệu quả của nguồn vốn TDCS nên rất nhiệt tình, tích cực… Cán bộ NHCSXH của Lâm Đồng có sự sáng tạo, chịu khó, chịu khổ, đồng tâm, đồng hành tạo nên những thành tích nhất định, đáng tự hào cho hoạt động TDCS hôm nay. 
 
LÊ HOA (lược ghi)