Gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số

05:10, 17/10/2022
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả các chương trình hành động để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống trên địa bàn.
 
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại Di Linh. Ảnh: Quỳnh Uyển
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại Di Linh. Ảnh: Quỳnh Uyển
 
Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã với 111 xã, 18 phường, 13 thị trấn, trong đó có 78/142 xã, phường, thị trấn là vùng đồng bào DTTS . Toàn tỉnh có 1.376 thôn, tổ dân phố, trong đó có 478 thôn, tổ dân phố là vùng DTTS theo tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ. Đồng bào DTTS có 77.917 hộ và 338.318 người (chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh), trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên có 223.616 người, còn lại là DTTS các địa phương di cư đến Lâm Đồng. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là vô cùng quan trọng sẽ góp phần phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu bằng việc sưu tầm, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao lòng tự hào về các giá trị văn hóa; khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn... Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch những năm qua cũng đã triển khai và thực hiện có hiệu quả những chương trình này. Sở cũng đã đầu tư phục dựng nhiều nghi lễ như Lễ Pơthi (của người Churu và nhóm K’Ho ở K’Long, huyện Đức Trọng), Lễ Nhô Wèr (của cộng đồng K’Ho Srê ở huyện Di Linh), Lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Churu ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm); Lễ Nhô Rơhe (Mang lúa kho) của đồng bào dân tộc K’Ho huyện Lâm Hà, Lễ cưới của dân tộc K’Ho tại xã Đạ Chais huyện Lạc Dương,… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc. Việc tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm. 
 
Ngoài ra, ngành Văn hoá cũng đặc biệt quan tâm và tổ chức tái trang bị các nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, trống...) và các điều kiện vật chất khác cho vùng DTTS để duy trì nét văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên là người đồng bào DTTS, nhằm lưu giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh đều tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS” để Nhân dân các dân tộc bản địa giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Lâm Đồng. 
 
Đáng ghi nhận nữa là trong nhiều năm qua, công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nói chung và thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu. Cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 139/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,88%; trong đó có 100% xã đồng bào dân tộc có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Có 1.321 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 96%. Theo đánh giá, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở cơ bản đã bám sát chức năng, nhiệm vụ cấp cơ sở, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền cổ cộng; hoạt động thư viện, tủ sách, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ và sinh hoạt, hội họp của Nhân dân.
 
Đặc biệt, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo bằng việc triển khai đăng ký từ đầu năm và bình xét vào cuối năm. Toàn tỉnh hiện đã có 111/111 xã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 877/877 thôn phát động xây dựng thôn văn hóa.
 
Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc cũng được quan tâm, chú trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp biên soạn 3 cuốn từ điển Việt - K’Ho, Việt - Churu và Việt - Mạ. Các địa phương cũng đưa vào chương trình giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS tại chỗ cho học sinh ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống và dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh cũng mở khoảng 150 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương. Qua công tác sưu tầm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các dân tộc vẫn đang gìn giữ và phát huy chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc mình. Chữ viết và ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, trong tổ chức các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS.
 
NGUYÊN THI