Chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng

01:11, 07/11/2022
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 5 năm qua (giai đoạn từ năm 2018 đến hết tháng 9/2022) công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lạc Dương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lạc Dương
 
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp là 596.642 ha, chiếm 60,99% diện tích tự nhiên, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Trong đó, diện tích đất có rừng tính tỷ lệ che phủ rừng 539.403,49 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 54,6%. Toàn tỉnh có 27 đơn vị chủ rừng nhà nước và 13 ban chỉ đạo, chỉ huy thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững.
 
Những năm qua, trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện quyết liệt. Các sở, ban, ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên đã đạt được những kết quả nhất định. Nổi bật là số vụ vi phạm, diện tích rừng bị mất, lâm sản thiệt hại đã giảm dần qua các năm. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả trong việc thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
 
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái pháp luật, tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ 3.019 vụ vi phạm (gồm 1.636 vụ đã xác định đối tượng vi phạm và 1.383 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm). Trong đó, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 231 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng 13.175 m 3
 
Các vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm (166 vụ việc) đều được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định. 
 
Trong công tác phát triển rừng, toàn tỉnh đã trồng được 3.206 ha rừng. Trong đó, trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác 885 ha; trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước 1.783 ha và trồng rừng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách 538 ha. Giai đoạn 2018-2020, các địa phương đã tổ chức trồng được 178 ngàn cây phân tán các loại. Riêng năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 thực hiện Đề án Trồng 50 triệu cây xanh, toàn tỉnh đã trồng được hơn 9 triệu cây xanh các loại góp phần phủ xanh đất trống trong đô thị, cơ quan, trường học, bệnh viện, đường phố.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, ngoài những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn có những khuyết điểm, tồn tại nhất định. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, coi công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…
 
Để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã đặt một số mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu có trọng tâm, cụ thể là quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm từ 20 - 25% so với năm 2021. Hạn chế thấp nhất việc để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, không để xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… Cương quyết giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm mới; trồng rừng, khôi phục và phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 từ 54,6% trở lên và nâng cao chất lượng rừng...
 
Bên cạnh đó, Sở đã có kiến nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương sớm triển khai các hoạt động ưu tiên về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm thực hiện tốt Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
C.PHONG