Cơ hội cho Gung Ré

05:11, 02/11/2022
UBND huyện Di Linh đã có đề xuất Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K’Ho tại thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh”. Đây là một trong những cơ hội lớn cho xã Gung Ré trong bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch, từng bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Nhiều chiêng, ché…vẫn được bà con người K’Ho ở thôn K’Long Trao 1 giữ gìn như tài sản quý của gia đình
Nhiều chiêng, ché…vẫn được bà con người K’Ho ở thôn K’Long Trao 1 giữ gìn như tài sản quý của gia đình
 
•  BẢO TỒN VĂN HÓA
 
Di Linh là địa bàn cư trú của 28 dân tộc anh em. Trong đó, chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho, chiếm 35,1% dân số. Đây là yếu tố chính tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, dệt thổ cẩm và các lễ hội văn hóa đặc thù trên mảnh đất Di Linh.
 
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm, chú trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức bảo vệ giá trị di sản văn hóa, gìn giữ, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân địa phương.
 
Và xã Gung Ré cũng không là ngoại lệ. Ông K’Brô - Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré khẳng định: Người dân tộc K’Ho ở thôn K’Long Trao 1 cũng như ở xã Gung Ré luôn mong muốn được lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của ông cha để lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, duy trì các lễ hội tổ chức hàng năm, các nghề truyền thống như: đan tre, nứa, dệt vải…, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù địa phương trong nhiều năm qua đã chủ động triển khai nhiều chương trình thiết thực, mang lại kết quả tích cực trong nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho trên địa bàn, tuy nhiên nhiều giá trị đã bị mai một. Bởi vậy, việc bảo tồn văn hoá là một trong những nhiệm vụ lớn của địa phương. 
 
Thôn K’Long Trao 1 với gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc K’Ho. Ông K’Bróp (65 tuổi) người dân tại đây chia sẻ rằng dẫu không còn nhiều như trước, nhưng trong thôn, bà con vẫn còn giữ nhiều chiêng, ché, người già vẫn làm nghề đan, những lễ hội, điệu múa... truyền thống vẫn còn được giữ gìn. 
 
Việc thực hiện Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K’Ho tại thôn K’Long Trao 1 sẽ là hoạt động cụ thể hoá các nhiệm vụ mà Tỉnh ủy Lâm Đồng đặt ra cho huyện Di Linh tại Nghị quyết số 15 ngày 3/6/2022 về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho huyện Di Linh phát triển toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
•  CƠ HỘI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
 
Hiện, huyện Di Linh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18 ngày 25/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với đặc điểm, tình hình và lợi thế của địa phương. Điều này đòi hỏi các địa phương cũng cần có những chuyển động để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và bắt nhịp với xu thế.
 
Ngoài giá trị về văn hoá, việc xã Gung Ré có vị trí địa lý nằm ngay sát thị trấn Di Linh, có Quốc lộ 28 hướng xuống Phan Thiết chạy qua, dân cư sinh sống tập trung và nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú như rừng thông, hồ thuỷ lợi, thác Li Liang (còn gọi là thác Cầu 4)… là những điều kiện thuận lợi cho Gung Ré trong phát triển du lịch. Năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Trang My Đạt (Phường 2, Đà Lạt) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư 20 tỷ đồng phát triển du lịch sinh thái kết hợp quản lý, bảo vệ rừng trên tổng diện tích gần 33,2 ha một phần các Tiểu khu 661A, 685, xã Gung Ré. Cụ thể, gồm gần 32,5 ha diện tích quản lý, bảo vệ rừng, trong đó xây dựng hơn 5.000 m2 các công trình có mái che trên khu vực đất trống như nhà nghỉ bungalow, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa Tây Nguyên, nhà hàng, quán giải khát… Hiện, công ty này đang đầu tư các hạng mục theo quy hoạch thiết kế và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Đó là một trong những minh chứng về cơ hội phát triển du lịch của Gung Ré và Di Linh nói chung.
 
Những điều kiện về tự nhiên, xã hội là điều kiện cần, song sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của những người đứng đầu mới là điều kiện đủ, mang tính quyết định cho sự phát triển của xã Gung Ré.
 
NGỌC NGÀ