(LĐ online) - Những ngày đầu năm mới 2023, khi lúa đã thu hoạch đầy bồ, cà phê chín đã hái xong, người dân trong thôn Bờ Nơm (Sơn Điền) lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng “Thần núi” nhằm tạ ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, thu hoạch được nhiều sản vật. Đồng thời, cầu xin một năm mới, sức khỏe, mùa màng bội thu.
Những người có uy tín tham gia lễ cúng thần núi Bơ Nơm |
Năm nay, bà con vui hơn mọi năm, vì sau 2 năm đại dịch Covid-19, đời sống trong năm qua của người dân trong thôn đã dần ổn định. Đặc biệt, mùa vụ cà phê năm nay, khi vừa thu hoạch xong, trời đã ban cho người dân trong thôn 2 cơn mưa lớn. Già K’Hoa vui mừng cho biết, thần linh ban nhiều điều tốt lành đến với bà con nơi đây, hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu.
Theo già K’Hoa, người K’Ho Nộp ở đây tin rằng, trước đây họ sinh sống khoẻ mạnh ở vùng đất này là nhờ có thần núi Bơ Nơm che chở. Thần núi cai quản đất đai, nương rẫy của dân làng; người dân thờ cúng sẽ có mùa màng bội thu, cây cối quanh năm xanh tốt. Chính vì vậy, thần núi và con người luôn gắn chặt với nhau qua một sợi dây linh thiêng, nên bà con ở đây năm nào cũng tổ chức nghi lễ cúng tạ ơn vị thần núi này.
Sau lễ cúng mọi người cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu |
Trong đời sống tâm linh, đồng bào K’Ho có các vị thần như: Thần núi, thần rừng, thần suối… Việc tổ chức các lễ cúng, lễ hội của đồng bào nhằm cảm tạ các vị thần đã che chở cho cuộc sống, phù trợ cho dân làng khỏe mạnh, làm ăn tốt, mùa màng thuận hòa, tốt tươi, thú dữ không quấy rối. Nét độc đáo trong nghi lễ này đó là việc bảo tồn thiên nhiên, giữ rừng, giữ đất, tôn trọng thiên nhiên, giúp ổn định cuộc sống.
Lễ cúng thần núi Yàng Bơ Nơm được tổ chức vào ngày đầu năm mới vì đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời đất linh thiêng, vạn vật sinh sôi nảy nở. Theo phong tục người K’Ho, lễ cúng thần núi có sự góp sức của cộng đồng vì vậy khi diễn ra buổi lễ, mỗi gia đình cùng đóng góp lễ vật đem tới ven rừng làm lễ. Người khá giả thì góp dê, góp heo, người cón khó khăn thì góp gà, góp gạo.
Người trẻ giữ gìn và tiếp nối |
“Lễ cúng thần núi” được chọn tại ven rừng, nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, đảm bảo sự thanh tịnh cho quá trình lễ. Người cúng trong nghi lễ là người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng, được người dân trong thôn nể trọng, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi lễ. Lễ vật được dâng lên thần núi được dân làng trang trọng thực hiện với tấm lòng thành kính.
Để thực hiện nghi lễ người K’Ho dựng khoảng ba cây nêu trước sân. Trên các cây nêu, bà con chia làm nhiều bậc để trang trí. Theo họ quan niệm, cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời, tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người. Trên các cây nêu, họ tạo những bông tre xoắn thành chùm, tượng trưng cho bông lúa lớn.
Sau lễ cúng, trong điệu nhạc, tiếng cồng chiêng và men say rượu cần chếnh choáng, mọi người trong buôn làng K’Ho sẽ nhảy múa, hát hò và kể những chuyện về đồng bào mình tạo nên không khí rộn ràng với mong ước cho một vụ lúa mới bội thu…
Trải qua nhiều thay đổi, dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn trước đây nhưng lễ cúng Yang Bơ Nơm vẫn được duy trì nhằm thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người K’Ho trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin