Nhằm phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh theo quy định, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Chính sách, quy định pháp luật về năng lượng cơ bản đảm bảo để thực hiện, triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, thủy điện, điện gió, điện mặt trời cần được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng nhu cầu thực tế, hầu hết phải tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, công tác thẩm định nói riêng và quản lý hoạt động xây dựng nói chung đối với các lĩnh vực điện lực, phát triển năng lượng đang gặp nhiều vướng mắc.
Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH khảo sát về phát triển năng lượng tại Điện gió Cầu Đất - Đà Lạt |
Theo xu hướng chung của thế giới, con người ngày càng sử dụng nhiều các nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Và năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên nằm trong danh mục năng lượng sạch, có tiềm năng khai thác lớn đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho các quốc gia trên thế giới.
Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và địa phương phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thực hiện công tác phát triển các dự án năng lượng một cách bền vững và đúng quy định của pháp luật; UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 55, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Được biết, hiện nay về trữ lượng của các dạng năng lượng tái tạo có trong quy hoạch điện và hiện đang vận hành nhưng không có trong quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng: Các dự án năng lượng tái tạo đã phê duyệt quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư gồm thủy điện có 4 dự án với tổng công suất 11,9 MW; điện mặt trời có 1 dự án có công suất 50 MWp.
Các dự án điện đang vận hành cung cấp điện vào lưới điện quốc gia nhưng không có trong quy hoạch, gồm 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 5,5 MW (thủy điện Ankroet: 4,4 MW; thủy điện Lộc Phát: 0,6 MW; thủy điện Quảng Hiệp: 0,5 MW).
Về sản lượng năng lượng sản xuất: thủy điện khoảng 6.238 triệu kWh/năm; điện mặt trời áp mái khoảng 420 triệu kWh/năm, dự án điện gió khi vận hành dự kiến khoảng 193 triệu kWh/năm.
Điện gió Cầu Đất - Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Hiện nay, khả năng cung cấp năng lượng điện của lưới điện truyền tải là đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên nằm trong danh mục năng lượng sạch đã và đang được ứng dụng hiệu quả trên thế giới, tại Việt Nam và trong đó Lâm Đồng cũng khuyến khích, nhiều nhà đầu tư có tâm huyết, mạnh dạn, trách nhiệm và tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Doanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Cao Nguyên Sông Đà 7 - quản lý Nhà máy Thủy điện Yantannsien tại thôn Lán Tranh, xã Đưng K’ nớ, huyện Lạc Dương kiến nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét sớm phê duyệt giá mua điện và điều chỉnh tăng giá mua điện hàng năm cho phù hợp nhu cầu về điện cũng như giá điện bán lẻ tăng thêm, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và tăng hiệu quả dự án. Kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm giải quyết triệt để một số hộ dân lấn chiếm đất của dự án, một số đơn vị khai thác cát san lấp mặt bằng rất nhiều gây nên bồi lắng lòng hồ đập chuyển nước, ảnh hưởng không nhỏ đến dung tích hữu ích của hồ, đặc biệt làm mất khả năng điều tiết lũ và năng suất phát điện của nhà máy.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Di Linh có dự án Thủy điện Đồng Nai 1 - Di Linh chia sẻ: Để thực hiện xây dựng một công trình thủy điện phải thực hiện quá nhiều thủ tục, trong đó có thủ tục hành chính, thủ tục của ngành điện. Có thể nói gồm hàng trăm các thủ tục lớn nhỏ trong giai đoạn triển khai dự án, gây khó khăn rất nhiều, phát sinh chi phí cho nhà đầu tư. Nhiều thủ tục cấp bộ, ngành Trung ương liên quan đến các Bộ Công thương, Tài nguyên - Môi trường , Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kéo dài quá lâu (từ 6 - 12 tháng) gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động phát triển năng lượng. Về thủ tục mua bán điện còn rườm rà, quá nhiều thủ tục khi nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành và phát điện.
Tuy các chính sách ưu đãi về thuế đối với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đã có nhưng việc áp dụng chưa được đồng bộ ở các địa phương nên phần nào cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi kê khai. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời mái nhà cũng kiến nghị: Cần thống nhất các văn bản quy định riêng về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời mái nhà (NLMTMN) để doanh nghiệp có thể áp dụng và thống nhất với các địa phương, chủ động trong công tác thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các thủ tục hành chính mong được tinh gọn hơn và dễ dàng hơn. Dự án điện NLMTMN có chi phí đầu tư không nhỏ, các máy móc thiết bị theo thời gian sẽ hết thời gian bảo hành, các tấm pin NLMTMN hiệu suất sẽ giảm theo thời gian nên việc doanh thu các dự án điện sẽ giảm dần, trong khi lãi suất ngân hàng ngày càng tăng, doanh nghiệp rất mong Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất riêng đối với các doanh nghiệp làm điện mặt trời. Đồng thời, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời hầu hết phải tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; việc thiết kế và thẩm định công trình thủy điện còn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công trình thủy lợi. Vì vậy, công tác thẩm định nói riêng và quản lý hoạt động xây dựng nói chung đối với các lĩnh vực điện lực, phát triển năng lượng đang gặp nhiều vướng mắc.
Trao đổi về nội dung này sau khi tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cho rằng: Một số văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Các quy định cấp điện áp trong hệ thống điện giữa nghị định và thông tư chưa thống nhất. Việc quản lý điện mặt trời tại địa phương sơ hở, thiếu sót trong đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, mua bán điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Tại các dự án được khảo sát cho thấy việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên đất nông nghiệp kết hợp phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), tuy nhiên trên thực tế việc phát triển trang trại và trồng trọt không đem lại hiệu quả hay nói cách khác là đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán điện, còn mô hình trang trại chậm được triển khai; việc ký kết mua bán điện, đấu nối vào hệ thống điện phụ thuộc vào chủ đầu tư và công ty điện lực, công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này rất hạn chế. Một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo các đơn vị chức năng tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... dẫn đến nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ và phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin