Đầm Ròn hôm nay

NDONG BRỪM 05:21, 18/07/2023

Đầm Ròn là tên gọi thân thương mà người dân huyện Đam Rông dành cho khu vực 3 xã Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long, nơi có đông đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên sinh sống tập trung với 3.603 hộ, 18.219 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều thay đổi, ổn định, diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

Đồng bào Đầm Ròn tham gia Hội thi Diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Đam Rông lần thứ Nhất
Đồng bào Đầm Ròn tham gia Hội thi Diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Đam Rông lần thứ Nhất

Là những xã vùng đặc biệt khó khăn, đa phần là đồng bào các dân tộc bản địa M’nông, K’Ho (nhánh Cil)... cùng nhau sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, nên đồng bào nơi đây vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những năm qua, cùng với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục người dân nâng cao ý thức tích cực lao động sản xuất; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương...

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm thôn Mê Ka (xã Đạ Tông) - một trong những thôn nằm gần trung tâm của xã, nổi bật là gần Khu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống huyện Đam Rông. Tiếp chúng tôi, ông Kơ Dơng Ha En - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, hồ hởi nói: “Được sự quan tâm của Nhà nước, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ vốn vay đầu tư thâm canh phát triển kinh tế, cây con giống, các mô hình sinh kế và làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo..., nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, kể từ khi thành lập huyện, Đam Rông không những chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đồng bộ và khá khang trang, mà còn quan tâm đầu tư các chương trình, đề án, các mô hình sinh kế... đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đặc biệt khó khăn tại địa phương. Vì vậy, ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Ông Mok Ha Đim - Trưởng thôn Liêng Trang 2, xã Đạ M’rông, bày tỏ: Từ khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, nên những năm gần đây đời sống của bà con được nâng lên đáng kể. Toàn thôn hiện có gần 100 hộ, với trên 500 nhân khẩu, đến nay đã có gần 100% số hộ theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. “Hiện tại thôn Liêng Trang 2 còn 17 hộ nghèo, chủ yếu người già neo đơn, mất sức lao động. Tôi rất hài lòng với những kết quả hiện tại, bao nhiêu nỗi vất vả trong công tác tuyên truyền, vận động bà con trước đây giờ đã mang lại nhiều “quả ngọt”. Từ vùng đất cánh đồng chuối cằn cỗi, khô héo ngày nào giờ đây đã phủ kín bằng một màu xanh bạt ngàn của cây dâu. Tuy cuộc sống của bà con chưa phải là giàu có nhưng đến nay đã khá lên từng ngày, nếu chịu khó thay đổi, tích cực hơn nữa lao động sản xuất thì cuộc sống ấm no sẽ sớm về với bà con nơi đây” - ông Mok Ha Đim khẳng định. 

Cuộc sống vật chất được cải thiện, đồng bào các dân tộc nơi đây đã chú trọng hơn tới những giá trị văn hóa truyền thống. Và, độc đáo nhất là đồng bào các dân tộc bản địa bên dòng Krông Nô luôn biết trân quý, bảo tồn, lưu giữ và duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống; gìn giữ các chóe cổ, bộ đồng la, cồng chiêng... của ông bà tổ tiên.

Già làng Cil Nếu, xã Đạ Tông phấn khởi: Chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, qua đó góp phần bảo tồn, duy trì những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong “mái nhà” chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi khi tiếng cồng, tiếng chiêng của các chàng trai, cô gái ngân vang và cùng hòa nhịp với điệu xoang đoàn kết là báo hiệu về cuộc sống ấm no, một niềm vui mới đang về với buôn làng và sẽ đem đến những điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc cho cộng đồng. 

Chúng tôi tạm biệt Đầm Ròn khi ánh mặt trời đã dần khuất núi, cảnh vật hoàng hôn trên dòng Krông Nô lung linh đầy sắc màu càng tô thêm vẻ đẹp êm đềm nơi miền quê, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, báo hiệu về một cuộc sống trù phú đang hiện về với vùng đất này.