(LĐ online) - Sau 40 năm hiện diện trên mảnh đất Đà Lạt, đội ngũ các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hạt nhân luôn xem mình là một phần của Đà Lạt và mong muốn được đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng.
Các nhà khoa học mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương Lâm Đồng |
Với đội ngũ 175 viên chức, người lao động, trong đó có 4 phó giáo sư - tiến sĩ, 15 tiến sĩ, 67 thạc sĩ, 66 kỹ sư, cử nhân làm việc ở 12 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị chuyên môn, 1 đơn vị đào tạo nguồn nhân lực, 2 đơn vị hành chính), Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã tập trung nghiên cứu theo các hướng chính như: Nghiên cứu vật lý và kỹ thuật lò để đảm bảo vận hành lò phản ứng an toàn; nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân và cấu trúc hạt nhân trên các chùm nơtron phin lọc tại các kênh ngang của lò phản ứng; nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ để điều chế các chất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu đánh dấu kháng thể đơn dòng trong điều trị bệnh ung thư. Nghiên cứu phát triển các phương pháp phân tích hạt nhân, chuẩn hóa các quy trình định lượng chính xác các nguyên tố, hợp phần, độc tố trong các loại mẫu địa chất, dầu khí, lương thực thực phẩm, môi trường. Nghiên cứu quá trình môi trường liên quan đến xói mòn đất, vận chuyển và lắng đọng trầm tích của các công trình thủy điện bằng kỹ thuật hạt nhân với các đồng vị tự nhiên và nhân tạo. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ theo hướng phát triển các sản phẩm polymer, chế phẩm nano, chế phẩm vi sinh để ứng dụng trong nông nghiệp, sinh học, y học. Nghiên cứu về sinh học phóng xạ đột biến tạo các giống cây và hoa mới; phát triển phương pháp nuôi cấy mô thực vật trên các loại giống hoa, cây ăn quả và cây công nghiệp quý hiếm…
Từ những thành quả đó, Viện đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng. Trong đó có thể kể, Viện đã tư vấn, thiết kế Khoa Y học hạt nhân và Cung ứng thuốc phóng xạ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh phục vụ chẩn đoán và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm. Đánh giá tốc độ bồi lấp các công trình hồ thủy điện, thủy lợi Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Tuyền Lâm, Chiến Thắng, P'ró, Tây Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Hàm và đề xuất các giải pháp giảm thiểu bồi lắng, tăng tuổi thọ các công trình thủy lợi. Đánh giá tốc độ xói mòn đất nông nghiệp, nhận diện các mô hình canh tác, cây trồng tối ưu trong giảm thiểu xói mòn và đưa ra khuyến cáo hướng tới canh tác nông nghiệp bền vững. Chuyển giao các quy trình kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tham gia bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm, nhân nhanh các giống hoa, cây cảnh cung cấp cho nông dân. Sản xuất các loại giá thể phục vụ trồng hoa, cây cảnh; sản xuất phân bón sinh hóa hữu cơ từ các phụ phế thải nông nghiệp; chế tạo vật liệu polyme giữ nước cho chè, cà phê, tiêu vùng khô hạn, chế tạo các chế phẩm kích thích tăng trưởng và phòng trừ nấm bệnh thực vật, xử lý nước thải. Đánh giá chất lượng nước, đất, không khí và giám sát phông phóng xạ trên địa bàn tỉnh.
Viện đã thực hiện đánh giá chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại một số vùng cư dân trọng điểm của các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và xây dựng các mô hình xử lý các chất ô nhiễm cung cấp nước sạch cho người dân. Kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng độc trong nông sản, thực phẩm phục vụ cho chương trình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu rau an toàn. Đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp đủ tiêu chuẩn. Tham gia tư vấn, thẩm định, đánh giá các đề tài khoa học, các dự án của tỉnh trong phạm vi chuyên môn liên quan…
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân nhấn mạnh: Sau 40 năm hiện diện trên mảnh đất Đà Lạt, đội ngũ các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hạt nhân luôn xem mình là một phần của Đà Lạt, mong muốn được đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và coi đây là một bộ phận hữu cơ, thường xuyên trong nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên, thế mạnh, tiềm năng của Viện chưa được phát huy đúng mức cho phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng. Trong thời gian tới, để có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn, Viện tăng cường vào các hoạt động có thế mạnh như: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan trong nghiên cứu và phát triển mô hình canh tác hữu cơ bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện địa lý của địa phương; tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm chủ lực của địa phương: cà phê, chè, hồ tiêu, trái cây. Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do các hoạt động sản xuất và các chế độ canh tác tưới tiêu tối ưu cho một số loại cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hợp tác chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, dần đưa Đà Lạt trở thành trung tâm y học hạt nhân lớn của cả nước, góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị ung thư tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị cho người dân Lâm Đồng. Quan tâm, tạo điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho địa phương, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin