Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở huyện Lâm Hà đã khẳng định vai trò quan trọng trong cộng đồng khu dân cư. Qua đó kịp thời hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Ông Phan Văn Tiếng luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân |
• PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HÒA GIẢI VIÊN
Gần 10 năm qua, ông Phan Văn Tiếng - Trưởng thôn Tân An, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn vẫn rảo bước chân trên khắp tuyến đường đến từng nhà, gặp gỡ mọi người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con trong thôn.
Được xem là cầu nối trong thôn, mỗi khi xảy ra vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, xích mích do hiểu lầm giữa làng xóm, mâu thuẫn vợ chồng... ông Tiếng luôn đứng ra khuyên can, giảng giải. “Nhiều cuộc hòa giải không chỉ đem cái lý, cái tình hàng xóm, tình nghĩa anh em ra mà còn phải vận dụng các điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên. Hòa giải thường ở thôn nên trước hết phải nghĩ rằng không có người thắng, người thua, mà chủ yếu để giải quyết các mâu thuẫn, tạo sự bình yên, gắn kết tình cảm bà con” - ông Tiếng giãi bày.
Đơn cử như cách đây nhiều năm, gia đình hai hộ ở thôn có mua chung một thửa đất, vì mâu thuẫn trong việc phân chia ranh giới dẫn đến bất hòa. Trước tình hình đó, ông Tiếng đã tổ chức buổi nói chuyện mời hai gia đình tham gia, hướng dẫn các thủ tục về đất đai và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tránh việc tranh chấp kéo dài. Từ đó, mâu thuẫn giữa hai gia đình được hóa giải.
Tại xã Tân Văn, hiện có 14 Tổ hòa giải với 89 hòa giải viên. Trong đó, các hòa giải viên đều là trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ Mặt trận, thành viên các đoàn thể. Bà Võ Thị Thanh Mười - công chức Tư pháp xã Tân Văn cho biết: “Nhiều năm qua, vai trò của Tổ hòa giải đã phát huy mạnh mẽ, giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong xã, góp phần ổn định an ninh trật tự, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ có các Tổ hòa giải mà số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã giảm rất nhiều”.
• TỪNG BƯỚC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Đinh Đức Chí khẳng định: Những năm qua, phần lớn vụ việc đã được các hòa giải viên không những vận dụng quy định của pháp luật mà còn vận dụng phong tục, tập quán, tình làng, nghĩa xóm, các chuẩn mực đạo đức nhằm phân tích, giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận và đi đến giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, góp phần giữ gìn, đoàn kết, giữ vững an ninh, chính trị an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Hiện, toàn huyện Lâm Hà có 170 Tổ hòa giải với 1.000 hòa giải viên. Trong 10 năm qua, UBND huyện đã phối hợp tổ chức lồng ghép được 64 hội nghị, phổ biến pháp luật cho hơn 12.582 lượt người là đại diện lãnh đạo và công chức có liên quan của các phòng chuyên môn, đoàn thể của cấp huyện và cấp xã; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; trưởng thôn, tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận; hòa giải viên tại các thôn, tổ dân phố và tuyên truyền viên pháp luật, cùng toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền lồng ghép 155 hội nghị tại các xã, thị trấn, qua đó thu hút gần 25.000 lượt người tham dự và cấp phát 4.000 cuốn đề cương, tài liệu và 95.800 tờ rơi các loại.
Đại diện Phòng Tư pháp huyện Lâm Hà cho biết: Vừa qua, Cuộc thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Lâm Đồng đã góp phần bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, thúc đẩy giao lưu văn hóa pháp lý, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng thực hành. Hội thi đã thực sự tạo không khí sôi nổi, thi đua trong đội ngũ những người làm công tác hòa giải. Tính từ năm 2013 đến nay, tổng số vụ hòa giải là 1.400; trong đó hòa giải thành là 1.032 vụ, chiếm tỷ lệ 73,7%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện Lâm Hà cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác hòa giải ở cơ sở như: Một số Tổ hòa giải chất lượng hoạt động hiệu quả chưa cao; việc quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa được chặt chẽ, chưa thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo, công tác kiểm tra, theo dõi đôn đốc chưa thường xuyên kịp thời… Ông Đinh Đức Chí cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, UBND huyện Lâm Hà sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ và phổ biến các văn bản luật mới ban hành, giúp hòa giải viên cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ. Đồng thời, chú trọng công tác khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong công tác hòa giải. Cùng với đó thực hiện lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin