NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI 1/10:
Tiếp tục quan tâm chăm lo cho người cao tuổi

NGUYỆT THU (thực hiện) 06:48, 28/09/2023

Nhân dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu thêm về kết quả hoạt động của Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng, những đóng góp tích cực của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh tặng quà động viên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương
Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh tặng quà động viên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương

PV: Xin ông cho biết những nét nổi bật trong hoạt động của Hội Người cao tuổi tỉnh thời gian qua?

• Ông ĐÀM XUÂN ĐÊU: Tại tỉnh Lâm Đồng, người cao tuổi chiếm khoảng hơn 9% dân số; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh có Trưởng ban, Phó Trưởng ban là cán bộ hưu trí chuyên trách; 12 Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện, thành phố có từ 7-15 thành viên; trong đó, có 5 Trưởng ban là cán bộ hưu trí chuyên trách; 7 Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện kiêm nhiệm; 7 Phó Trưởng ban là cán bộ hưu trí chuyên trách; 142 tổ chức hội cơ sở; 1.329 chi hội; 1.618 tổ hội, hội viên chiếm tỷ lệ 87,55%.   

Thực hiện Nghị quyết Đại hội V, VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động chi hội, tổ hội làm nòng cốt trong Phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi” gắn với tổ chức các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng” với các cuộc vận động, các phong trào thi đua do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động, như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”, Phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Vận động không rải và đốt tiền, vàng mã”… với Phong trào thi đua Sản xuất, kinh doanh giỏi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, người cao tuổi tham gia. 

Hiện, toàn tỉnh có 5.305 người cao tuổi tham gia công tác xã hội, là Bí thư, Phó Bí thư chi bộ; Tổ trưởng dân phố; Trưởng thôn; Trưởng, Phó Ban Công tác Mặt trận, Tổ hòa giải cơ sở…; 27.499 người cao tuổi tham gia công tác khuyến học, khuyến tài; 38.886 người cao tuổi tham gia phong trào phòng, chống tội phạm tại cơ sở.

Hàng năm, trên 90% gia đình người cao tuổi đạt hiệu danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có 595 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… thu hút 13.230 người cao tuổi tham gia góp phần rèn luyện, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, tạo thế vui tươi, lạc quan, giúp người cao tuổi tiếp tục hoàn thành tốt công việc trong gia đình và ngoài xã hội; có 72 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, với 3.395 thành viên, kinh phí vận động được hơn 2,17 tỷ đồng. 

Toàn tỉnh có 141/142 xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đạt tỷ lệ hơn 99%. 

Đặc biệt, khắp các địa phương trong tỉnh có 3.487 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Trong đó, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp là 390 người ở các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại… tạo việc làm cho hơn 850 lao động, doanh thu 5 năm trên 726 tỷ đồng, ủng hộ các loại quỹ 4,5 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước trên 13,9 tỷ đồng. Đây là những thành quả rất đáng trân trọng, khẳng định tinh thần “tuổi cao chí khí càng cao” của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh. 

Đặc biệt, trong số những người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi, có vị đã 70, 75, 80 tuổi, nhưng không phân biệt tuổi tác, không cam chịu nghèo khó, luôn có ý chí vươn lên, cần mẫn, tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp tập huấn, sống mẫu mực, luôn khao khát làm giàu cho gia đình và xã hội.  

• PV: Bên cạnh những đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội, Phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” cũng thu hút sự tham gia tích cực của hội viên người cao tuổi và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh, vậy phong trào đã phát huy mạnh mẽ tại cơ sở như thế nào, thưa ông?

• Ông ĐÀM XUÂN ĐÊU: Hội Người cao tuổi tỉnh thời gian qua đã hướng dẫn, triển khai mạnh mẽ Phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” trên mọi lĩnh vực, ở các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Người cao tuổi Việt Nam “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cụ thể, người cao tuổi trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Người cao tuổi tích cực cùng Nhân dân khu dân cư tham gia tốt Mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, “vườn xanh - ngõ sạch - đường đẹp”, vận động bà con không rải vàng mã, góp công, hiến đất, góp vốn… phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân, hộ gia đình người cao tuổi. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, người cao tuổi và gia đình đã đóng góp 12.680 ngày công, hiến 72.510 m2 đất, ủng hộ làm đường, xây dựng nông thôn mới với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. 

Tổ chức Hội luôn chủ động triển khai hướng dẫn thực hiện Phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” gắn với các hoạt động tại cơ sở. Rất nhiều những tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động tại cộng đồng như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng ban Công tác Mặt trận; chi hội trưởng các đoàn thể và tổ chức xã hội; khuyến học, khuyến tài; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, giữ gìn an ninh, chính trị trật tự an toàn; hòa giải cơ sở,… Nhiều điển hình gương sáng trước đây là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều người đã từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường; công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước đã nghỉ hưu nay tham gia Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả, có 5.132 người cao tuổi trực tiếp tham gia Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cung cấp 642 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chuyên môn điều tra, truy bắt tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. 

Để kịp thời quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi, các cấp Hội luôn chủ động tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại cơ sở. Phối hợp với ngành chức năng quan tâm, giải quyết kịp thời chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng cho 17.200 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 49.250 người, phối hợp theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho 17.480 người cao tuổi. Hội các cấp đều chủ động phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ủy, Mặt trận, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ, mừng thọ cho 12.350 người cao tuổi với số tiền trên 5,2 tỷ đồng trong năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức chúc thọ cho 11.317 cụ với số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Quỹ Thiện tâm tặng 100 suất quà cho 100 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 60 triệu đồng và hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà tình thương cho 4 hộ người cao tuổi nghèo với tổng trị giá 240 triệu đồng.

• PV: Trong xã hội hiện đại ngày nay, người cao tuổi cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sức khỏe, điều kiện môi trường sống, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Vậy ông có trăn trở, kiến nghị, đề xuất gì để tiếp tục chăm lo tốt hơn chính sách cho người cao tuổi? 

• Ông ĐÀM XUÂN ĐÊU: Liên quan đến hoạt động Hội, đề nghị Trung ương Hội tiếp tục quan tâm hơn về công tác tổ chức Hội, nên có phương án thống nhất về mô hình tổ chức từ Trung ương tới cơ sở. Đề nghị hỗ trợ bố trí thêm nguồn kinh phí để Hội hoạt động tốt hơn, mạnh hơn, nhất là chi phí cho những chuyến đi cơ sở, nắm bắt tình hình hoạt động Hội tại cơ sở, để kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những hoàn cảnh người cao tuổi khó khăn. 

Hội mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách cho người cao tuổi được vay vốn từ các ngân hàng, nhất là từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để người cao tuổi sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương. 

Hiện nay, trong đời sống xã hội hiện đại, cơ bản người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc rất tốt về tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, đâu đó, trong các thôn, buôn, tổ dân phố vẫn còn những cụ già neo đơn rất cần sự chăm lo của xã hội, tổ chức đoàn thể. Có những cụ không thiếu về vật chất nhưng lại thiếu người chăm sóc hỗ trợ khi về già sức khỏe yếu như không tự đi chợ, nấu ăn, mua thuốc được. Vì vậy, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền cũng nên quan tâm cử đoàn viên, hội viên giúp đỡ. Đó cũng là nghĩa cử đẹp trong đời sống cần phát huy, giữ gìn nét đẹp trong đạo lý dân tộc ta, tri ân giúp đỡ, hỗ trợ người cao tuổi khi cần trong mọi lúc, mọi nơi. Tiếp tục duy trì tốt hơn hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi”, Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, chương trình tầm soát ung thư, khám bệnh cấp phát thuốc cho người cao tuổi, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Các cấp Hội cần chủ động, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống có ích, tích cực chăm lo đời sống cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn…

• PV: Xin cảm ơn ông!