Nối dài những yêu thương

NHẬT MINH 05:09, 27/09/2023

Gần 4 tháng nay, vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng luôn ấm lửa, nấu những suất ăn chay để phục vụ tận tay bệnh nhân và người nhà của họ và kể cả các hoàn cảnh khó khăn như người bán vé số, buôn ve chai, tàn tật... Đây là một trong số những việc làm thiện nguyện do Nhóm Tình nguyện Đức Trọng khởi xướng và duy trì nhiều năm qua.

Bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng không chỉ trao bữa ăn 
mà còn trao cả tình thương
Bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng không chỉ trao bữa ăn mà còn trao cả tình thương

Anh Phạm Tấn Duyên - Trưởng Nhóm Tình nguyện Đức Trọng, cũng là người đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện này, cho biết: “Tôi mong muốn mở một bếp ăn từ thiện cũng từ rất lâu rồi và thời gian qua, thỉnh thoảng tôi cũng có hỗ trợ rau, củ cho 1 nhà hàng chay ở TP Hồ Chí Minh và bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi. Thấy các mô hình bếp ăn từ thiện này rất hay, tôi rất thích nên cũng muốn phát tâm tổ chức một bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế của huyện. Vì vậy, nên khi nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, tôi đã quyết định thành lập bếp ăn từ thiện đặt tại đây. 3 tuần đầu tiên, kinh phí hoàn toàn do bản thân tôi tự bỏ ra, sau đó, khi bếp đi vào hoạt động nhịp nhàng, đã quen với cách làm rồi, tôi bắt đầu đăng bài trên facebook thì có các mạnh thường quân hỗ trợ và tới bây giờ, tôi đã không tự bỏ kinh phí ra nữa mà bếp duy trì hoạt động là nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của các mạnh thường quân”.

Anh Phạm Tấn Duyên cũng cho hay, để bếp duy trì 150 - 200 suất cơm chay đều đặn vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, ngoài các mạnh thường quân, bếp còn nhận được sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm và các tình nguyện viên. “Khoảng 6h30, các thành viên bắt đầu tập hợp tại đây, chia nhau ra mỗi người mỗi việc, làm sao để đến khoảng 10h30 là đã có cơm, canh sẵn để trao cho mọi người” - anh Duyên nói thêm. 

Với quan niệm, cái cho đi không chỉ là thức ăn, mà đó còn là tình thương, nên mỗi bữa ăn do bếp nấu, các món ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, màu sắc, an toàn vệ sinh thực phẩm... luôn được bếp chú trọng và đặt lên hàng đầu; thực đơn cũng được thay đổi hàng tuần. Mỗi bữa ăn như vậy thường sẽ có 3 món, thêm một bịch sữa đậu nành, đậu phộng hay sữa bí đỏ, nhằm cung cấp đầy đủ đạm, vitamin và khoáng chất cho người nhận. Bếp cũng sử dụng khay nhựa để đựng thức ăn, thay vì các hộp xốp, để góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Anh Nguyễn Hải Hoàng - một trong những đầu bếp chính của bếp, cũng là thành viên của nhóm, chia sẻ: “Khi tham gia với bếp hay làm những công việc thiện nguyện do nhóm tổ chức, bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình được cho đi và tôi cũng thường rủ thêm bạn bè, người thân nếu rảnh rỗi là tới phụ với bếp ăn”.

Bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng là một trong những việc làm ý nghĩa của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng trong thời gian qua. Nhóm được thành lập từ năm 2012, từ đó đến nay, nhóm liên tục tổ chức Chương trình thường niên “Trăng rằm yêu thương” với các hoạt động chính: Làm lồng đèn linh vật, bán lồng đèn và các vật phẩm gây quỹ, tổ chức đêm hội rước đèn, phát quà cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa. Ngoài “Trăng rằm yêu thương”, nhóm còn tổ chức thường xuyên Chương trình “Xuân yêu thương”, từ sự vận động, hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhóm mở các phiên chợ đồng giá, bán hàng không lợi nhuận tại vùng sâu, vùng xa, tặng quà tết cho các gia đình neo đơn, khó khăn... Từ nguồn quỹ của nhóm, đã trợ hỗ xây dựng được 5 căn nhà tình thương cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Bồng Lai, xã Phú Hội. Riêng trong mùa trung thu năm nay, nhóm vừa tổ chứa trao 450 phần quà cho các em thiếu nhi tại thôn Ma Bó, xã Đa Quyn.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, anh Phạm Tấn Duyên đã vận động hàng trăm tình nguyện viên với hàng ngàn ngày công thu gom và vận chuyện hơn hai ngàn tấn rau thông qua cầu nối của nhóm đã đến với các khu cách ly, bếp ăn không đồng, các bệnh viện dã chiến trong và ngoài tỉnh. Bản thân anh Duyên đã bỏ 400 triệu đồng mua 1 xe cứu thương hỗ trợ chống dịch. Khi hết dịch, xe hoạt động vận chuyển 0 đồng cho các hoàn cảnh khó khăn và hiện tại, anh đã nhường lại cho nhóm mạnh thường quân hoạt động ở huyện Đam Rông... 

“Khi làm những việc này, tôi luôn mong muốn có cơ hội trao đi yêu thương, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn và làm cầu nối để các mạnh thường quân có cơ hội trao đi yêu thương. Nhóm cũng đang có kế hoạch, từ quỹ dư của bếp ăn sẽ trích ra để giúp một phần chi phí cho những trường hợp cấp cứu ở bệnh viện không có người thân, nghèo khó” - anh Duyên nói.