Nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở

NGUYÊN THI 06:24, 04/12/2023

Hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Xác định được tầm quan trọng của hoạt động này cũng như vị trí, vai trò của đội ngũ hoà giải viên; thời gian qua, UBND TP Đà Lạt đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở.

Họp dân để giải quyết các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc ở UBND Phường 5
Họp dân để giải quyết các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc ở UBND Phường 5

Công tác hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện thực hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoà giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn quan hệ tốt đẹp tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Công tác hòa giải ở cơ sở được UBND TP Đà Lạt và các địa phương quan tâm chú trọng, ngoài việc quan tâm hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, thành phố còn thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải, hòa giải viên.

Tại các địa phương cũng quan tâm, hướng dẫn các tổ dân phố, thôn củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải. Đến nay, trên địa bàn TP Đà Lạt có 204 Tổ hòa giải với 1.016 hòa giải viên; trung bình mỗi tổ hoà giải có từ 3 hòa giải viên trở lên. Các thành viên của Tổ hòa giải đa phần là các Trưởng Ban Công tác Mặt trận tại cơ sở (Tổ trưởng hòa giải); Phó Ban Công tác Mặt trận (Tổ phó hòa giải); các Trưởng ban, ngành, đoàn thể ở khu dân cư (thành viên Tổ hòa giải). Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở. 

Và để các hòa giải viên làm tốt nhiệm vụ, nhận thức đầy đủ vai trò và ý nghĩa, nắm vững nội dung pháp luật của hòa giải ở cơ sở, những kiến thức cơ bản về một số lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân nhằm vận dụng vào trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, có kỹ năng cơ bản để tổ chức và thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở; UBND TP Đà Lạt đã tổ chức các buổi bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Và với quan điểm, chỉ khi các hoà giải viên am hiểu về luật, có nghiệp vụ về hoà giải thì mới có thể làm tốt nhiệm vụ hoà giải của mình; ngoài các chương trình tập huấn; thành phố cũng xây dựng các mô hình hoà giải ở một số xã và lựa chọn những mô hình hay nhất, hiệu quả nhất để nhân rộng trên các phường, xã. Bên cạnh đó, để hỗ trợ kiến thức cho hoà giải viên, Phòng Tư pháp TP Đà Lạt cũng đã in tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và cấp phát cho các hòa giải viên của các Tổ hòa giải, để các hòa giải viên nghiên cứu, nâng cao nhận thức, nắm vững nội dung quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở; cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về một số lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống của người dân để vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Theo thống kê của UBND thành phố, qua 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 1.725 vụ việc. Trong đó, đã tiến hành hòa giải thành 1.304 vụ (tỷ lệ đạt 76%). Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.

Những kết quả đạt được đã minh chứng rằng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.