Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh dại. Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình bệnh dại trên địa bàn; hướng dẫn các đơn vị triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân thường đưa thú cưng đi dạo quanh hồ Xuân Hương (theo quy định chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt, đề phòng cắn người) |
• TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn. Tăng cường công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người. Thực hiện báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm và phòng, chống bệnh dại trên người nhằm hạn chế tử vong do bệnh dại gây ra.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn. Rà soát, bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại; thực hiện tiêm chủng vắc xin, huyết thanh phòng dại theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại. Phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người.
Phòng Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các điểm dịch vụ có tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn thực hiện tiêm chủng vắc xin và huyết thanh phòng dại theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định.
• PHẤN ĐẤU KHÔNG CÒN NGƯỜI TỬ VONG VÌ BỆNH DẠI VÀO NĂM 2030
Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 nhằm mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bao gồm: Quản lý đàn chó, mèo; tổ chức tiêm vắc xin dại; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống bệnh dại; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch dại; giám sát bệnh dại trên động vật; giám sát bệnh dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh dại; kiểm soát vận chuyển chó, mèo; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; hợp tác nghiên cứu, sản xuất và cung ứng vắc xin.
Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 của Chính phủ quy định: Tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng theo quy định; theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt con vật đó để theo dõi và báo cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển hoặc bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại; khi động vật được xác định mắc bệnh dại, chủ nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi, dụng cụ nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải và các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh. Những con vật nghi mắc bệnh dại phải nhốt để theo dõi trong 10 ngày, tiêm vắc xin dại cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch, vùng dịch; chủ nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, sản phẩm chó, mèo phải chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu bệnh dại theo quy định.
Chính quyền các cấp tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo. Định kỳ tối thiểu 2 lần/năm, báo cáo cập nhật số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo chi tiết đến cấp xã. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại, cưỡng chế tiêm vắc xin dại cho chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin