Mới đây, ngành Y tế đưa ra con số khiến chúng ta giật mình, đó là trung bình mỗi năm, bệnh dại ở nước ta làm 80 người chết; riêng từ đầu năm đến nay, đã có 27 người chết. Bệnh dại được đánh giá là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm số 1, nhiều năm qua, hầu như năm nào cũng đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm. Đó là chưa kể mỗi năm cả nước phải tốn kém hàng ngàn tỷ đồng để tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại và những chi phí liên quan. Nguyên nhân chính dẫn đến những con số nhức nhối nêu trên là công tác quản lý hoạt động nuôi chó, mèo còn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, dẫn đến tình trạng chó, mèo thả rông còn khá phổ biến.
Tại Lâm Đồng, từ năm 2017 đến nay không phát hiện ổ dịch và không có người tử vong do bệnh dại, nhưng nỗi lo vẫn luôn hiện hữu vì tình trạng nuôi chó, mèo thả rông. Ngay ở Đà Lạt, không khó để bắt gặp hình ảnh chó thả rông, không đeo rọ mõm chạy long nhong trên nhiều tuyến phố; thậm chí đuổi theo tấn công người đi đường. Tại một số đô thị lớn, thời gian qua, các đội bắt chó thả rông đã được thành lập và hoạt động, phần nào hạn chế vấn nạn này. Riêng tại Đà Lạt, UBND các phường, xã đã thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo để người dân nâng cao nhận thức trong việc quản lý vật nuôi; đồng thời thành lập tổ bắt và xử lý chó, mèo thả rong. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ này hoạt động khá mờ nhạt, nếu không muốn nói là vắng bóng ở nhiều khu dân cư…
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Các địa phương, trong đó có Lâm Đồng đã triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng với những nhiệm vụ cụ thể.
Vấn đề quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành quy định về nuôi chó, mèo như: khai báo, tiêm vắc xin phòng bệnh dại; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh, đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt.
Cùng với đó, ngành chức năng cần có những chế tài mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin