Thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em

DIỆU HIỀN 07:18, 12/04/2024

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em năm 2024.

Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng
Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng

Theo báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em năm 2023 trong toàn quốc đã thực hiện 8.145 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 774 cuộc so với năm 2022). Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTBXH) thực hiện 4 cuộc thanh tra; Sở LÐTBXH các địa phương thực hiện 587 cuộc thanh tra, kiểm tra; UBND cấp huyện thực hiện 1.023 cuộc kiểm tra và UBND cấp xã thực hiện 6.531 cuộc tự kiểm tra. Qua đó, phát hiện 455 thiếu sót, sai phạm; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 561 triệu đồng; kiến nghị cho trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội được truy lĩnh số tiền hơn 123 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 135 triệu đồng; 5 cán bộ vi phạm bị kiểm điểm trách nhiệm.

Trong đó, Thanh tra Bộ LÐTBXH đã thực hiện 4 cuộc thanh tra tại 4 địa phương (Cần Thơ, Lâm Đồng, Bắc Kạn và Bắc Ninh), phát hiện 122 thiếu sót, sai phạm, thu hồi ngân sách nhà nước số tiền 81,7 triệu đồng. Cụ thể, tiến hành 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại 2 địa phương (Cần Thơ và Lâm Đồng), xác minh tại 44 cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; ban hành 2 kết luận thanh tra, phát hiện 70 thiếu sót, sai phạm; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 47,1 triệu đồng.

Một số sai phạm chủ yếu được Thanh tra Bộ LÐTBXH nêu lên bao gồm: UBND tỉnh chưa tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; Sở LĐTBXH chưa rà soát, thống kê số liệu về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định, chưa thống kê hộ gia đình, cá nhân chăm sóc trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng; UBND huyện xác định sai thời điểm trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, chưa điều chỉnh đối tượng từ người khuyết tật là trẻ em sang đối tượng là người khuyết tật, chưa chỉ đạo cấp xã hướng dẫn cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi lập hồ sơ đề nghị hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng; UBND xã chưa rà soát, thống kê trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Tại 63/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em về Bộ LÐTBXH. Kết quả ghi nhận cả nước có tổng số 23,5 triệu trẻ em; 439 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, số trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tai nạn thương tích là 559.486 em (chiếm tỷ lệ 2,3% tổng số trẻ em).

Qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em năm 2023 trong toàn quốc đã kiến nghị, đề xuất UBND cấp tỉnh tiếp tục giao Sở LĐTBXH tham mưu, lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (trong khi Chính phủ chưa có văn bản quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành); chỉ đạo các cơ sở chăm sóc thay thế hoặc cung cấp dịch vụ cho trẻ em nhưng không đăng ký hoạt động tiến hành đăng ký hoạt động hoặc xử lý theo quy định pháp luật; chỉ đạo UBND cấp huyện giao Phòng LĐTBXH thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; UBND cấp xã tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc phạm vi quản lý.

UBND các cấp bố trí nguồn nhân lực và kinh phí để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành, đoàn thể tại địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt về sự cần thiết tiến hành thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho cán bộ thanh tra, công chức LĐTBXH, công chức làm công tác trẻ em từ cấp tỉnh đến cấp xã tại địa phương.