Lâm Hà: Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

THÂN THU HIỀN 05:45, 28/05/2024

Là địa phương được ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đứng thứ 3 trên toàn tỉnh, UBND huyện Lâm Hà đã yêu cầu các ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát và chủ động triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh một cách đồng bộ. Đồng thời kêu gọi, người dân nêu cao nhận thức, tích cực dọn dẹp, vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Huyện Lâm Hà tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống SXH đến người dân
Huyện Lâm Hà tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống SXH đến người dân

SỐ CA GHI NHẬN TĂNG SO VỚI CÙNG KỲ

Tính đến ngày 23/5, Trung tâm Y tế Lâm Hà ghi nhận 150 ca mắc sốt xuất huyết tại 14/16 xã, thị trấn; trong đó tập trung tại Đinh Văn 33 ca, Nam Ban 32 ca, Đạ Đờn 22 ca, Mê Linh 11 ca, Tân Hà 10 ca, Phúc Thọ 9 ca; tăng 105 ca so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính đến hiện tại, Lâm Hà có số ca mắc hiện đứng thứ 3 trong toàn tỉnh.

Trong 5 tháng đầu năm, toàn huyện phát hiện và xử lý 33 ổ dịch nhỏ SXH; trong đó xử lý phun hóa chất diệt muỗi kết hợp diệt lăng quăng, truyền thông phòng bệnh sốt xuất huyết 7 ổ dịch (chiếm 21,2%), diệt lăng quăng 33 ổ dịch (chiếm 78,8%).

Hiện, Lâm Hà duy trì 1 điểm giám sát côn trùng của huyện; trong đó số lượt điều tra lăng quăng là 77/212 lượt, số lượt điều tra muỗi là 38/86 lượt; lấy 40 mẫu huyết thanh xét nghiệm phân lập vi rút. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với UBND thị trấn Đinh Văn, Nam Ban thực hiện phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH tại 7 ổ dịch nhỏ với tổng số hộ dân được xử lý hóa chất là 827 lượt hộ.

Theo bác sỹ Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà: Trong quá trình phòng, chống dịch, địa phương cũng gặp một số khó khăn nhất định như nhân lực trong công tác phòng, chống SXH còn hạn chế như tại thị trấn Đinh Văn và thị trấn Nam Ban không có y tế thôn, bản, do vậy các hoạt động truyền thông, trực tiếp thăm hỏi các hộ gia đình, công tác giám sát, xử lý dịch bệnh SXH chưa đầy đủ và toàn diện. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương trong công tác nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, vận động Nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy chưa thường xuyên, liên tục. 

Bên cạnh đó, tại đa số ổ dịch nhỏ SXH đều có nhiều hộ dân trồng dâu nuôi tằm, cung cấp tằm giống nên không thể sử dụng biện pháp phun hóa chất diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang virus nên hiệu quả xử lý ổ dịch chưa cao, tỷ lệ ổ dịch phun hóa chất chỉ chiếm 21,2%... 

• QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép trong các đợt xử lý ổ dịch như phát loa di động. Trong 5 tháng đầu năm, đã tiến hành phát 5.000 tờ rơi, hướng dẫn người dân thực hiện ngủ màn, vệ sinh môi trường, khơi thông cống thoát nước xung quanh nhà ở. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; tuyên truyền ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tuyên truyền tích cực để người dân phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi bị sốt đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhận định: Mặc dù địa phương chưa ghi nhận ca tử vong do SXH gây ra, tuy nhiên, tính đến nay, huyện Lâm Hà có số ca mắc khá cao so với toàn tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung để công tác phòng, chống được đảm bảo, hạn chế số ca mắc bệnh.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Lâm Hà tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Lâm Hà, Phòng Y tế huyện chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng khám tư nhân nghiêm túc thực hiện việc thông báo ngay cho trạm y tế xã, thị trấn nơi cơ sở hoạt động khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm trong danh mục bệnh được quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế để thực hiện việc điều tra, xác minh và báo cáo bệnh theo quy định.

Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác khám bệnh, phát hiện sớm ca bệnh, phân độ, thu dung và điều trị bệnh nhân, theo dõi, chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng và tử vong; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi.

Rà soát, đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, lưu ý đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị bệnh nhân SXH và thuốc điều trị cho bệnh tay chân miệng... Thực hiện điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định, lưu ý các bệnh có vắc xin dự phòng như sốt phát ban nghi sởi/rubella, ho gà, bạch hầu, liệt mềm cấp.

Cùng với đó, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; tổ chức họp, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể từng thôn/tổ dân phố cho thành viên Ban Chỉ đạo để trực tiếp thực hiện chỉ đạo, giám sát; đảm bảo tại khu vực có dịch mỗi hộ gia đình được kiểm tra, giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch 1 lần/tuần đến khi tình hình dịch ổn định.