Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên việc xác định ổn định an ninh, trật tự (ANTT) đóng vai trò then chốt trong thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Với phương châm gần dân, sát dân, dựa vào dân, Công an huyện Đơn Dương luôn chú trọng làm tốt công tác bảo đảm ANTT vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức pháp luật, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội; góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngày hội các dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương thắm tình đoàn kết |
Hiện huyện Đơn Dương có tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm khoảng 33%; là địa bàn cư trú lâu đời của 3 DTTS Tây Nguyên anh em (K'Ho, Chu ru, Cill), với hơn 40.000 người, ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác như Tring, Răclây, Ê đê, Hoa, Tày, Nùng... Những năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Đơn Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết vốn có của mình, một lòng, một dạ, gắn bó bên nhau, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đóng góp xứng đáng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng luôn được duy trì đảm bảo ổn định, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động phá hoại tư tưởng; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; khai thác sự chênh lệch giàu, nghèo giữa dân tộc thiểu số với các dân tộc khác để kích động tư tưởng ly khai, tự trị; lợi dụng các “điểm nóng” về tranh chấp khiếu kiện liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số, những vụ việc phát sinh trong tôn giáo nhằm đẩy mạnh các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động gây rối an ninh, trật tự tạo cớ để các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc... Tình trạng tảo hôn, nghi kỵ hay các hủ tục, mê tín dị đoan, vi phạm Luật Giao thông, vi phạm hình sự, tệ nạn xã hội, phá rừng làm rẫy... còn diễn ra khá phức tạp.
Trước tình hình đó, Công an huyện Đơn Dương luôn xác định công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài.
Thượng tá Nguyễn Văn Chính - Phó Trưởng Công an huyện Đơn Dương cho biết: Công an huyện đã chủ động tham mưu phối hợp với các cấp, ngành củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị; tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho các lực lượng nòng cốt đảm bảo ANTT ở cấp cơ sở; quan tâm bố trí Công an xã chính quy về tất cả các địa bàn các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS. Kiện toàn và xây dựng nhiều tổ an ninh nhân dân; xây dựng và triển khai 29 mô hình đảm bảo ANTT trong đó có nhiều mô hình mới góp phần đảm bảo ANTT tại vùng đồng bào DTTS như: “Tổ thanh niên DTTS tự quản về ANTT tại địa bàn tổ dân phố M'Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ”, “Điểm nhóm Tin lành thôn Ta Ly 2, xã Ka Đô đảm bảo ANTT”, “Tổ thanh niên DTTS tự quản về ANTT tại thôn Hamasing, thị trấn D'ran"...
Cùng với việc xây dựng và củng cố lực lượng, Công an huyện đã tham mưu cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, phối hợp với Mặt trận, đoàn thể làm tốt công tác nắm tình hình, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT trong vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được các quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và của Huyện uỷ, UBND huyện về đảm bảo ANTT, nắm được các âm mưu của các thế lực thù địch, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, từ đó tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Thực hiện tốt công tác phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là trong vùng đồng bào DTTS với nhiều nội dung, hình thức sát hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, của mỗi dân tộc, huy động đội ngũ cốt cán tham gia các mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua đó nâng cao nhận thức của đảng viên, quần chúng Nhân dân trong công tác tự phòng, tự quản về ANTT, tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội.
Từ năm 2019 đến nay, Công an huyện đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Phong trào Phòng, chống tội phạm ở 105/105 thôn, tổ dân phố, các cơ quan nhất là những thôn, tổ dân phố trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 166.000 lượt người đến tham dự. Đặc biệt, trước tình hình phức tạp về ANTT xảy ra ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện đã tham mưu tổ chức 30 đợt phát động với 895 bà con đồng bào DTTS tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đến tham dự nhằm hiểu rõ bản chất vụ việc, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với đồng bào DTTS.
Thấu hiểu được vai trò quan trọng của người có uy tín trọng vùng đồng bào dân tộc như: già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc trong tôn giáo, lực lượng Công an huyện đã thường xuyên tiến hành nhiều đợt tiếp xúc, động viên và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người nói trên để tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục cho bà con hiểu và nắm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Bên cạnh đó cũng làm rõ vấn đề Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng nhưng cũng sẽ nghiêm trị đối với những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tín ngưỡng cuồng tín, mê tín dị đoan đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất ANTT tại địa phương.
Trong thời gian tới, Công an huyện tiếp tục thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Bộ Công an và tình hình thực tế ở địa phương để chủ động xây dựng Kế hoạch vận động đồng bào DTTS tham gia bảo đảm ANTT trong từng thời điểm cụ thể. Chọn một số địa bàn làm điểm nhằm tập trung lực lượng, biện pháp để tuyên truyền, vận động quần chúng. Đối với các địa bàn phức tạp có hoạt động tôn giáo trái pháp luật, những “điểm nóng” về tranh chấp đất đai, khiếu kiện, Công an huyện tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không đi ngược với những quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo để củng cố niềm tin của đồng bào DTTS. Từ đó, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của đồng bào DTTS trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Đặc biệt, thường xuyên bám sát địa bàn, bám dân với phương châm 4 cùng: "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào DTTS" với Nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc ngay từ cơ sở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin