Nỗ lực làm hồi sinh nghề gốm Churu

QUỲNH UYỂN 03:53, 13/06/2024

Xã Pró (Đơn Dương) có hơn 7.000 nhân khẩu, 61% đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống tập trung ở 4/7 thôn. Ở đó ẩn chứa rất nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, trong đó nghề gốm truyền thống của đồng bào Churu ở thôn Krăng Gọ có từ lâu đời đã đi vào tên đất, tên làng, Krăng Gọ nghĩa là làng làm nồi.

Lớp truyền dạy đã tạo ra môi trường cho lớp trẻ tiếp thu nghề truyền thống
Lớp truyền dạy đã tạo ra môi trường cho lớp trẻ tiếp thu nghề truyền thống

Từ xa xưa, gốm của làng nồi đa số là vật dụng bếp núc như nồi, ấm đun nước, chén bát, tô được trao đổi với các buôn làng Mạ, K’Ho, Rắc Lây, M’Nông, S’tiêng… ở khắp vùng Nam Tây Nguyên. Mùa khô, cả làng lên núi lấy đất, quây quần làm gốm, sân nhà ai cũng đỏ lửa nung gốm; người mang đi bán, người đến mua tấp nập.

Cuộc sống phát triển, nhiều vật dụng hiện đại làm bằng nhôm, inox, thủy tinh, sành sứ tiện lợi thay thế…, gốm dần ít người mua, số người giữ nghề, theo nghề cũng vơi dần, chỉ còn lại vài người. Nghề gốm Churu đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Để bảo tồn nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Churu, sự vào cuộc tiếp sức của ngành Văn hóa đã rất cần thiết và kịp thời khi một lớp truyền dạy nghề gốm đã được tổ chức ngay chính buôn làng mà nghề được sáng tạo nên.

Tại sân nhà nghệ nhân Ma Li với đầy đủ không gian thực hành, các dụng cụ làm gốm, các học viên được cầm tay chỉ việc, vừa làm vừa học. 25 chị em phụ nữ trẻ người Churu tuổi từ 16 - 35 đã được 4 nghệ nhân cao tuổi lành nghề tận tình truyền dạy bài bản quy trình, công đoạn, bí kíp tạo tác nên sản phẩm gốm mộc truyền thống. Từ khâu chọn đất, giã đất, phơi, nhào nước, kỹ thuật nặn gốm, tạo tác hình gốm, tạo các sản phẩm, vật dụng với các hình dạng, kích thước, công dụng khác nhau, tạo hoa văn, cách nung, tạo màu sắc mộc.

Các học viên bắt tay vào nặn gốm, làm nên những sản phẩm đầu tiên với sự tập trung cao độ, say sưa nhào nặn theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Để tạo nên sản phẩm gốm đẹp, bên cạnh sự kiên trì, tỉ mỉ, công phu và đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân chỉ cho những người trẻ cách chọn đất tạo nguyên liệu làm gốm. Đó là loại đất sét vàng có pha cát, phơi khô, giã nhỏ, dùng sàng tre lọc đi lọc lại nhiều lần cho ra một loại bột mịn, rồi nhào với nước, đạt đến độ dẻo vừa phải. 

Không tạo gốm bằng bàn xoay như cách làm của các dân tộc khác, gốm Churu chỉ từ đôi tay khéo léo; một dãy ghế nhựa đơn sơ làm đồ nghề, những đôi bàn tay bền bỉ liên tục nhào nặn miết lên từng sản phẩm, những đôi chân trần di chuyển liên tục nhiều vòng xung quanh những cái ghế nhựa. 10 ngón tay liên tục xoay chuyển vào từng thớ đất để tạo độ tròn, độ cân, độ dày đều cho sản phẩm. Sự kết hợp uyển chuyển chân bước vòng quanh, đôi bàn tay vừa nặn vừa vuốt. Phần thân nồi nặn trước, sau đó phần miệng được nặn sau, tùy cảm hứng, độ khéo léo, óc sáng tạo của từng người mà nên hình, nên dạng, không có khuôn mẫu nào, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Khi sản phẩm đã thành hình, thành khối, một miếng vải dày nhám được thấm nước vuốt láng mặt ngoài sản phẩm cho tròn đều, nhẵn bóng. Xong công đoạn tạo hình, sản phẩm sẽ được mang ra phơi cho khô, rồi lại lấy lá chàm đánh bóng cả mặt trong, mặt ngoài trước khi nung...

Ánh mắt dõi theo từng bước chân, từng động tác của người học, nghệ nhân Ma Li không chỉ truyền dạy cách làm các sản phẩm phục vụ sinh hoạt bếp núc nồi, ấm, bát, tô, các nghệ nhân còn truyền dạy các mẫu mã mới, làm gốm mỹ nghệ, quà lưu niệm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, tạo hình sản phẩm trang trí đẹp mắt: bình cắm hoa, lọ bút, khay, tượng. Cùng cách trang trí hoa văn lên gốm, như hình vẽ hoa, cỏ, các con vật sống động nhằm đa dạng hóa sản phẩm, có nhiều ứng dụng trong đời sống, phục vụ du lịch, thích ứng với thị hiếu hiện đại với mong muốn gốm Churu theo chân du khách vượt ra khỏi buôn làng.

Cùng với việc truyền dạy hết mọi bí kíp của nghề qua từng quy trình, công đoạn để cho sản phẩm làm ra bền đẹp, không rò rỉ, nứt nẻ qua quá trình nung; các nghệ nhân còn truyền lửa yêu nghề, niềm tự hào với nghề truyền thống độc đáo của dân tộc mình cho các học viên. Từ đó ai cũng nhận thấy trách nhiệm, ra sức học hành, tiếp thu mọi lời giảng dạy, học hỏi lẫn nhau để mỗi ngày sản phẩm thêm hoàn thiện.

Không chỉ có 25 học viên, lớp truyền dạy mỗi ngày thêm rộn ràng khi trẻ em trong thôn kéo đến ngày càng đông; đám trẻ vây quanh chiếc ghế nhựa vừa xem làm gốm, vừa nghe các nghệ nhân giảng giải những kỹ thuật cơ bản và cũng bắt tay vào nhào nặn, mặt mũi, tay chân lấm lem. Một môi trường học nghề, làm nghề đã truyền vào tâm tưởng hàng trăm đứa trẻ niềm tự hào về nghề truyền thống. Nghệ nhân Ma Li mong muốn tất cả các học viên tham gia lớp truyền dạy đều thành nghề, lành nghề để tiếp tục truyền nghề cho thế hệ con cháu, để nghề gốm của người Churu không bị mai một, thất truyền. 

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh: Nghề gốm truyền thống là vốn quý của dân tộc Churu, làm nên nét văn hóa đặc sắc. Từ bàn tay cần mẫn, khéo léo của các mẹ, các dì tạo nên các sản phẩm gốm độc đáo từ quy trình sản xuất, cách thức tạo tác, cách nung thể hiện sự sáng tạo khác với gốm của các dân tộc khác. Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển giá trị của nghề gốm Churu, tránh nguy cơ bị mai một, biến thể hoặc mất dần theo thời gian trong xu thế phát triển hiện nay.

Từ lớp truyền dạy nghề sẽ từng bước làm sống dậy một làng nghề, mở cơ hội để nghề làm gốm thủ công truyền thống ở xã Pró có điều kiện phát triển; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề làm gốm thủ công của dân tộc mình; thiết thực thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.