Rất nhiều hồ chứa nước ở Lâm Đồng do các nhà vườn đào tích nước tưới cho hoa màu hiện nay trở nên cực kỳ nguy hiểm cho trẻ em khi lỡ bước rơi xuống.
Các VĐV xuất phát tại Giải Bơi trẻ, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng năm 2023 |
• NHỮNG CÁI BẪY CHẾT NGƯỜI
Trong nửa cuối tháng 5 vừa qua, một vụ tai nạn đuối nước đầy thương tâm đã xảy ra tại Phú Hội, Đức Trọng. Nạn nhân là 4 trẻ em người dân tộc thiểu số ở 2 thôn R’Chai 2 và R’Chai 3 của xã Phú Hội, trong đó lớn tuổi nhất là Ka Să Ha Khang, 10 tuổi, học sinh lớp 4; kế đó là Lâm Viêng Ha Thinh, 8 tuổi, học sinh lớp 2; cùng 2 anh em ruột Ka Să The Phing, 8 tuổi, học sinh lớp 2 và Ka Să The Phát, 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Cả bốn cháu rủ nhau đi chơi và rồi đuối nước dưới một hồ nước dùng để tích nước tưới hoa màu.
Theo thông tin của UBND xã Phú Hội, trong ngày hôm đó, khi người thân đi làm về không thấy các cháu ở nhà đã hỏi thăm Ka Să Ha Suýt - anh họ của các cháu trên thì Ha Suýt bảo các cháu đi chơi và đang tắm dưới một cái hồ gần xóm nhà. Người thân chạy đến hồ nước để tìm, phát hiện 4 cháu đang trong tình trạng nguy ngập vì đuối nước bèn nhào xuống để vớt lên rồi nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Đức Trọng. Tuy nhiên, tất cả đã muộn, cả 4 cháu đều không qua khỏi.
Ghi nhận tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn, hồ nước này nằm trong một khu vực đất ruộng lúa hiện không canh tác, dùng để tích nước tưới hoa màu. Hồ có chiều rộng khoảng 5 m, chiều dài khoảng 25 m, dưới có nước, xung quanh hồ là đất trống không có cây cối, được múc đất thẳng đứng, không có hàng rào chắn, không có lối lên, khó cho những ai rớt xuống có thể leo lên, quá khó cho những trẻ em như 4 trẻ ở trên khi lỡ rơi xuống đây.
Điều đáng nói, những cái hồ nhỏ tự đào chứa nước dùng cho nông nghiệp như thế có rất nhiều ở Lâm Đồng - một tỉnh với sản xuất nông nghiệp là chính. Chưa có một con số thống kê cụ thể tổng số hồ này trong tỉnh nhưng như ngành chức năng tỉnh cho biết, con số hồ này là rất lớn. Chỉ riêng tại Di Linh, như một lãnh đạo huyện cho biết, đã có trên 7.000 hồ lớn nhỏ như thế, do người dân tự đào trong vườn, dùng tích nước tưới hoa màu, cà phê trong mùa khô. Những cái hồ này, để chống thấm, thường được trải bạt ở đáy và xung quanh, lâu ngày rêu phủ lên bạt rất trơn. Hầu hết các hồ không có rào chắn, không làm lối lên, người lớn khi xuống hồ đã khó tìm được cách leo lên, còn với trẻ em lỡ rơi xuống hồ, đây là những cái bẫy chết người thật sự.
• TRANG BỊ KỸ NĂNG PHÒNG TRÁNH
Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em học sinh như tổ chức giải bơi học sinh phổ thông trong toàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong các trường học cũng như tăng cường đầu tư bể bơi dạy bơi cho học sinh trong trường.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có trên 682 trường học, cơ sở giáo dục với trên 334.300 học sinh các cấp đang theo học trong năm học 2023-2024 vừa qua, trong đó có 80 trường học có bể bơi; cấp tiểu học có 42 trường có bể bơi trong tổng số 223 trường; cấp trung học cơ sở có 36 trường trong tổng số 158 trường; cấp trung học phổ thông có 2 trường trong 59 trường học. Cùng với đó, toàn tỉnh đã có 237 giáo viên giáo dục thể chất trong trường học được cấp chứng chỉ dạy bơi cho học sinh, trong đó cấp tiểu học có 155 người, trung học cơ sở có 52 người và trung học phổ thông có 30 người.
Hằng năm, ngành Giáo dục luôn yêu cầu các trường học trong tỉnh chú ý hướng dẫn học sinh kỹ năng nhận biết, chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước; yêu cầu hiệu trưởng các trường phổ thông giao nhiệm vụ cho giáo viên hằng ngày dành 3 - 5 phút các tiết học cuối trước khi tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo học sinh trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và trong thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi có nguy cơ đuối nước; không tự ý rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Trong cuối tháng 5 vừa qua, trước khi nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng đã có công văn yêu cầu các trường học phổ biến cho học sinh không được tắm ao, hồ sông, suối; vận động phụ huynh giám sát chặt chẽ học sinh sau giờ học ở trường lẫn trong thời gian nghỉ hè.
Cùng sát cánh với ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng còn có rất nhiều sở, ban, ngành trong tỉnh cùng đồng hành, tổ chức rất nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em như dạy bơi, tập huấn bơi cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên để về hướng dẫn lại ở cấp cơ sở; nhiều địa phương huyện thành tổ chức các giải bơi thanh thiếu niên trong dịp hè. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng 130 hồ bơi, trong đó hồ bơi cố định trên 30; còn lại chủ yếu là số hồ bơi di động trong đó có các hồ bơi của các trường học. Hiện có 10 doanh nghiệp và trên 20 hộ kinh doanh cá thể tham gia xây dựng hồ bơi, dạy bơi trong tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh biết bơi đến nay vẫn rất thấp. Như Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, tổng số lớp dạy bơi cho trẻ em học sinh trong các trường học được 902 lớp; tổng số học sinh được tham gia học bơi 18.043 học sinh; tổng số trẻ em được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước trên 16.500 học sinh. Cùng với việc dạy bơi trong trường học, rất nhiều phụ huynh trong năm học hay trong dịp hè còn đưa con em mình tham gia các lớp dạy bơi tại các hồ bơi trong tỉnh, nhưng tỷ lệ trẻ em biết bơi đến nay theo một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết chỉ ở khoảng trên 11%.
Trong năm 2023, Lâm Đồng có 20 vụ đuối nước; còn trong những tháng đầu năm 2024 đến nay đã có 10 vụ đuối nước thương tâm trong tỉnh, trong đó có vụ 4 trẻ tại Phú Hội, Đức Trọng.
Trong cuối tháng 5 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024 tại Đà Lạt cho 65 học viên là cán bộ Đoàn các cấp của 12 huyện, thành trong tỉnh tham gia. Sau lớp học này, các học viên sẽ về tập huấn lại cho cấp cơ sở để phổ biến kiến thức phòng, chống đuối nước đến cấp cơ sở cho thanh thiếu niên, trẻ em.
Riêng với việc phòng ngừa tai nạn đuối nước tại các hồ nước tự đào trong các nhà vườn, tại Di Linh, như ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đang thí điểm xây dựng Mô hình Phòng, chống đuối nước cho trẻ tại một số hồ để tiến đến vận động các chủ hộ nhà vườn có hồ tự đào như thế trong huyện lắp hàng rào ngăn trẻ tiếp cận, làm lối leo lên hồ; trang bị dây có nút thắt buộc vào cọc thả xuống bờ ao quanh hồ để trẻ lỡ rớt xuống có thể nắm lấy và leo lên; thả các thùng, can nhựa trên mặt nước làm phao trong trường hợp nguy cấp có thể ôm lấy bơi vào bờ hoặc cắm thêm các sào tre quanh hồ để làm tay vịn leo lên...
Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định, khi mô hình tại Di Linh phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ có bước triển khai rộng cách làm này ra toàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin