Sự "lột xác" ngoạn mục của các xã vùng ven Đà Lạt

NGUYỄN NGHĨA 06:19, 25/06/2024

Nhìn lại 15 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại TP Đà Lạt, sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi vượt bậc của các xã ở vùng ven. Từ những con đường đất lầy lội, nhà cửa tạm bợ, đời sống thiếu thốn ngày xưa, nay các xã đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Mô hình sản xuất hồng treo gió ở Xuân Trường
Mô hình sản xuất hồng treo gió ở Xuân Trường

Điểm nhấn đầu tiên chính là hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Những con đường đất lầy lội ngày nào được thay thế bằng những tuyến đường nhựa, bê tông phẳng lì, rộng rãi. Việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Nông nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, bền vững. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng hiệu quả, mang lại năng suất cao và thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các xã vùng ven Đà Lạt đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vào thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn 4 xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành, mỗi xã chỉ mới đạt từ 6 - 13/19 tiêu chí nông thôn mới và không có xã nào đạt tiêu chí về quy hoạch, giao thông, nhà văn hóa xã. Tất cả 4 xã có 149 hộ nghèo gồm Tà Nung (96 hộ), Xuân Trường (24 hộ), Xuân Thọ (22 hộ), Trạm Hành (7 hộ). Từ phong trào xây dựng Nông thôn mới, TP Đà Lạt đã tập trung các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, đã tạo bước thay đổi vượt bậc diện mạo nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đến nay, 4 xã này đã không còn hộ nghèo.

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km, Xuân Trường từng là một xã anh hùng nhưng 15 năm trước còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào Phong trào xây dựng Nông thôn mới, Xuân Trường đã nhanh chóng vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế và văn hoá - xã hội của TP Đà Lạt. Hệ thống giao thông tại xã đến nay được bê tông hóa 100%. Xã đã phát triển thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau, củ, quả trong nhà kính, nhà lưới, trồng sản xuất cà phê chất lượng cao và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả... Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 64,672 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng nông thôn mới với việc đầu tư hạ tầng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã tạo việc làm ổn định cho 97,5% dân số trong độ tuổi lao động ở các xã vùng ven. Số lao động ở các xã có việc làm qua đào tạo cũng đạt tỷ lệ trên 75% (25% đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ). 

Theo UBND TP Đà Lạt, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của thành phố chỉ riêng giai đoạn 2021-2023 đã là 395,158 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước đối với các xã vùng ven. Và với nhiều nỗ lực và sự đồng lòng, tinh thần cầu tiến của bà con Nhân dân, đến nay, 3/4 xã của thành phố được công nhận xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2015 - 2020 và hiện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến năm 2024, 3/4 xã sẽ làm hồ sơ công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố cũng đã có 4/4 xã đạt tiêu chí về thu nhập thuộc bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt trên 57 triệu đồng/người/năm. Cụ thể, xã Xuân Thọ đạt 70,346 triệu đồng/người/năm, xã Xuân Trường đạt 64,672 triệu đồng/người/năm, xã Trạm Hành đạt 59,235 triệu đồng/người/năm và xã Tà Nung đạt 57, 317 triệu đồng/người/năm. Đã có 3/4 xã gồm Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và cả 4/4 xã hoàn thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. 

Có thể khẳng định rằng, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã mang lại sức sống mới cho các xã vùng ven TP Đà Lạt. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, các xã đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đây là bài học quý giá để nhân rộng mô hình nông thôn mới trên toàn quốc.