Ngược dòng Đạ Dâng

LÊ HOA  07:02, 27/01/2023

Câu nói “Đường không tự nhiên mà có, đường do đi nhiều mà thành” của người xưa để lại cho đến ngày nay như một chân lý! Trên mọi hành trình, người mở đường luôn là người giữ vai trò quan trọng trong việc khai phá một lịch trình, một chuyến đi. Người mở đường trong hành trình du lịch lại có thêm những trọng trách khác là tạo nên những cung đường mới an toàn, hấp dẫn để những người đi sau dễ dàng thưởng thức, trải nghiệm thuận lợi hơn. Và, chúng tôi đã may mắn được tham dự những chuyến đi mở đường du lịch dù rất gian nan, nhưng là những cảm xúc không thể quên trong đời...

Một phần thác Mưa Bay ngày nắng
Một phần thác Mưa Bay ngày nắng

Đạ Dâng là tên gọi của dòng sông hiền hòa chảy qua địa bàn huyện Lâm Hà bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (huyện Lạc Dương) thơ mộng và huyền bí. Dòng Đạ Dâng cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trái, ruộng lúa, vườn rau, rẫy cà phê..., tạo nên những vùng dân cư trù phú ở Lâm Hà, là Phú Sơn, Đạ Đờn, Phúc Thọ, Liên Hà... trước khi hòa vào dòng sông Đồng Nai. 

Góp sức vào du lịch, trước đây, sông Đạ Dâng từng là nơi khai thác các tour chèo thuyền phao nổi tiếng hấp dẫn và thu hút du khách.  

Vài năm gần nay, một dự án thủy điện được triển khai khiến đoạn sông thường tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm thuyền phao không còn thực hiện được nữa, nên người làm du lịch và người chơi cứ tiếc nuối mãi... thôi thúc việc phải thiết lập một hành trình mới cũng trên dòng Đạ Dâng này.

Hành trình của chúng tôi
Hành trình của chúng tôi

Những ngày tháng 6 năm 2022, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi khảo sát với mục đích tìm kiếm một cung đường từ xã Phú Sơn đến thác 7 tầng Păng Tiêng, giáp địa phận huyện Lạc Dương. Mặc dù từ UBND xã Lát (huyện Lạc Dương) đến thác 7 tầng Păng Tiêng chỉ khoảng 9 km với hơn 4 km đường rừng và cách Đà Lạt chừng 30 km; nhưng những người mở đường chọn đi ngược dòng Đạ Dâng từ thôn R’teng (xã Phú Sơn - cách Đà Lạt hơn 70 km) có chiều dài khoảng 15 km. Với sự giúp sức của các chú, các anh là nhân viên kiểm lâm, dân phòng và người dân ở xã Phú Sơn và thôn R’teng, chúng tôi đã đi ngược lên đầu nguồn sông Đạ Dâng theo 2 bờ sông. 

Ngày đầu tiên, bắt đầu từ khu vực trại cá tầm, chúng tôi đi theo bờ phải, có sẵn con đường đất đỏ au vừa được ban rộng thêm đủ chỗ cho 1 chiếc máy cày di chuyển. Tuy nhiên, do những cơn mưa đầu mùa trút nước mạnh làm xói lở nền đường, tạo nên những khe nứt sâu và trơn trượt rất khó đi. Chúng tôi được những tay lái (xe máy) kỳ cựu chuyên vượt đường rừng rẫy chở đi trong cảm xúc phấn khích xen chút lo âu và trầm trồ thán phục những tay lái “vượt rừng” quá xuất sắc và điêu luyện.

Những người dẫn đường
Những người dẫn đường

Suốt chuyến đi này, tôi ngồi sau xe của anh Nguyễn Nhật Trường - là cán bộ kiểm lâm của xã Phú Sơn, được nghe anh kể chuyện về đời sống dân sinh, về điều kiện kinh tế của người dân xã Phú Sơn, về những kinh nghiệm đi rừng... Đặc biệt, việc những người dân đi đường rừng như cảnh tượng “vượt Trường Sơn” thế này là chuyện rất đỗi bình thường, bởi hằng ngày, họ luôn phải di chuyển trong vòng 20 km vì công việc, vì mưu sinh. Những câu chuyện đó, cũng là cách anh trấn an chúng tôi “yên tâm, tin tưởng” các “bác tài”... 

Trong đoàn dẫn đường có bác Trần Văn Nghiêm - là cán bộ văn hoá xã Phú Sơn vừa tròn 60 tuổi, chỉ ít ngày nữa là nghỉ hưu; và bác Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn R’teng Lâm Văn Quyền, dù lớn tuổi nhưng còn rất dẻo dai và nhiệt tình. Hai bác chính là những người “thồ” 2 chị em nữa trong đoàn. Các bác cũng hứa với chúng tôi sẵn sàng tổ chức các đội dẫn đường và huy động người dân tham gia hoạt động du lịch...

Sau hơn 1 giờ đồng hồ nhấp nhô trên con đường đất đỏ lượn sóng, chúng tôi dựng xe trong 1 vườn cà phê và bắt đầu thực hiện ngược dòng Đạ Dâng. Chúng tôi cứ bám theo bờ sông mà đi. Ở những đoạn sông có vẻ bằng phẳng thì hoặc trảng cỏ cao quá đầu, hoặc là đám đá trứng khổng lồ, hoặc là bờ nước lấp xấp; nếu không thì, leo vách đá, bước trên đám rễ cây, luồn lách qua rừng tre nứa... Nhiều đoạn, các chú, các anh dẫn đường phải dùng dao phát bớt cành cây đan xen chằng chịt...

Các nữ “chiến binh”
Các nữ “chiến binh”

Nhưng, dù là đường đi thế nào, chỉ cần quay ra hướng sông là tán cây, bờ đá, dòng nước... tạo thành khung cảnh thật xinh đẹp và không khí quá đỗi trong lành, có cây rừng che nắng..., nên không ai bị tuột lại vì đuối sức. Độc đáo nhất, là trên đoạn sông này có một bờ cát tự nhiên khá rộng và mượt mà. Nếu thảnh thơi hơn, thì nào là lan rừng, hoa dại, cây thuốc, nấm... khá là lý thú để tìm hiểu và nhận dạng.

Vì không thể hứng cơn mưa chiều, và có một bờ đá dựng đứng, rất sâu ngăn cách, nên đến đầu nguồn thác Mưa Bay, chúng tôi phải dừng chân và quay trở lại theo con đường cũ và không thể đến được mục tiêu là thác 7 tầng Păng Tiêng như dự định ban đầu. Tuy nhiên, các thành viên đoàn khám phá đã thống nhất được một lịch trình du lịch thể thao mạo hiểm bao gồm cả chèo thuyền phao, trekking, trượt vách đá, khu vực dựng trại cho tour “khám phá dòng Đạ Dâng” đến thác Mưa Bay... Đồng thời, cũng lên ý tưởng tuyến đường về sẽ theo bờ trái dòng Đạ Dâng. Chính vì vậy, cả đoàn cũng đồng lòng ngay ngày hôm sau sẽ đến thác Mưa Bay theo bờ bên kia dòng Đạ Dâng...

Ngày hôm sau, cũng từ trại cá tầm, chúng tôi không qua cầu mà đi theo bờ trái, len lỏi giữa rất nhiều vườn cà phê xanh tốt trên con đường đất đã chai cứng, ngoằn ngoèo; hoặc lọt thỏm giữa rừng nguyên sinh với những cây cao, thảm lá dày và những con dốc đúng kiểu “Mạ ơi!”, mà người lái xe máy phải gằn ga số 1, còn người ngồi sau phải đi bộ với hình dạng gần như vừa đi vừa bò; nhưng cũng có đoạn được vi vu giữa rừng thông hơn hai chục năm tuổi mát rượi, được bà con làng Liên Hà (di cư từ xã Liên Hà lên lập làng) trồng rừng và giữ rừng. Lần này, đoàn chúng tôi có thêm các anh ở làng Liên Hà hỗ trợ và có Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Trương Văn Long đi cùng, nên dù khoảng cách bằng bờ bên kia, nhưng đường đi khá hào hứng.

Đến gần làng Liên Hà và xuyên hết rừng thông về hướng sông, đoàn phải dừng xe đi bộ vì đồi lau sậy, cỏ tranh dốc đứng. Đoạn đường cỡ chừng một cây số này “nếu có ván trượt cỏ thì đỡ được khá nhiều” và mỗi bước chân đỡ bị hụt vì hạ độ cao nhanh quá. Anh Long tuy bị gout, nhưng liên tục động viên tinh thần mọi người bằng câu nói “chị em còn leo rừng được không lý nào mình không đi”, vì trong đoàn chúng tôi có 4 chị em nữ suốt 2 ngày trời giữ vững thể lực và tinh thần, mà “cầm đầu” là chị Chế Phương Nam (Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lâm Hà)...

Qua hết rừng cỏ tranh, đến rừng lau sậy và cây tạp thì chúng tôi hồ hởi gọi nhau, bởi đã dần nghe được tiếng thác và mỗi lúc một rõ hơn. Rồi thác Mưa Bay hiện ra, dòng nước nhẹ nhàng và bình yên chảy qua các khối đá. Các anh dẫn đường kể, do mưa chưa nhiều, nên dòng nước yếu; nếu vào giữa mùa mưa, nước sẽ tràn lên phiến đá khổng lồ và bằng như cái mặt bàn lớn, tung bụi mù mịt. Đó là lý do thác được bà con gọi là Mưa Bay chứ chưa có tên trên bản đồ...

Chúng tôi tự thưởng cho mình bằng cách thả người lên các tảng đá khô, nhìn ngắm bầu trời xanh mênh mông giữa khung cảnh xanh ngát của núi rừng, ăn bữa lót dạ nhẹ nhàng với bún chả - dưa leo và chụp ảnh... 

Đường về, mệt nhất chính là đoạn leo từ thác lên với độ dốc gần như là dựng đứng. Chúng tôi đã tìm ra cách để có thể đi nhanh và nghỉ mệt hợp lý là dùng bước chạy cứ 30 giây đến 1 phút leo dốc thì lại nằm gác chân lên gốc cây để nghỉ và để thở cho đến khi nhịp thở đều thì lại tiếp tục cho đến điểm tập kết. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi bộ dưới rừng thông thêm chừng 1 km nữa theo kiểu giãn gân cốt vì rừng quá đẹp.

Chúng tôi về đến thôn R’teng cũng vừa kịp trước khi cơn mưa ập đến. Bữa cơm trưa muộn cũng là bữa cơm chào hỏi và chia tay những người bạn đồng hành vừa mới quen tại thôn R’teng và xã Phú Sơn. Chúng tôi mới kịp nhận biết nhau, bởi suốt 2 ngày trời, dù đi cùng nhau, nhưng cứ người trước - người sau, nói chuyện câu được - câu mất... Chia tay, như chị Dương Thị Hiền - Phó Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng), tâm sự: Đã hình thành một hành trình du lịch rất độc đáo và hấp dẫn. Khi đưa vào khai thác, vai trò của người dân địa phương - chính là các chú, các anh tham gia 2 ngày nay rất quan trọng, sẽ là những người dẫn đường và hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị lữ hành.

***

Món quà chúng tôi mang về từ chuyến đi ngược dòng Đạ Dâng là chiếc gậy dã chiến được những người dẫn đường chặt từ các cây tạp hay tre sậy nhỏ, tặng từ trong rừng, giúp mỗi người có thêm điểm tựa cho mỗi bước chân vượt rừng, leo núi... Và, mỗi chúng tôi, những người đồng hành cùng du lịch Lâm Đồng, đang cố gắng cùng các cơ quan quản lý nhà nước, kết nối, tìm kiếm đơn vị lữ hành đủ lực, có kinh nghiệm, với kỳ vọng tuyến du lịch khám phá dòng Đạ Dâng sẽ sớm được khai thác, trở thành tuyến du lịch độc đáo của vùng đất Phú Sơn nói riêng và Lâm Hà nói chung...