Từ ngày xưa, hình ảnh những ông đồ cho chữ vào dịp “hoa đào nở” đã trở thành quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nhắc đến thư pháp, việc cho chữ, người ta thường nghĩ ngay đến những ông đồ già. Thế nhưng ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ vì đam mê mà theo học bộ môn này. Gian hàng thư pháp của ông đồ trẻ Nguyễn Bảo Hoài (sinh năm 1993) tại chợ đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đem đến cho du khách nhiều cảm xúc bởi “Hoa tay thảo đường nét/Như phượng múa, rồng bay”.
Ông đồ trẻ Nguyễn Bảo Hoài |
Trời mưa, không gian chợ đình Bích La vẫn rất đông người du xuân. Điều ấn tượng nhất trong hội chợ xuân này là không gian thư pháp của những ông đồ trẻ. Người xem, người khen và người xin chữ mỗi lúc một đông. “Thầy viết cho tôi chữ An; cháu viết cho bà chữ Phúc; cháu đang là sinh viên nên muốn xin chữ Học; gia đình chị buôn bán, kinh doanh nên muốn xin chữ Lộc…”. Chưa đầy 15 m2 nhưng không gian thư pháp của ông đồ trẻ Nguyễn Bảo Hoài đến từ xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã thu hút đông đảo du khách đến xin chữ, xem viết thư pháp. Vừa cầm bút cho chữ, vừa hỏi nhu cầu của khách, ông đồ trẻ Nguyễn Bảo Hoài cứ thoăn thoắt những thao tác khiến cho không gian thư pháp thêm phần sống động, nhộn nhịp. Tranh thủ lúc giải lao, ông đồ Nguyễn Bảo Hoài chia sẻ với chúng tôi về cái duyên của mình với thư pháp. Là một người đang làm việc trong ngành Thiết kế đồ họa nhưng sau nhiều lần theo phụ giúp bố mình trưng bày gian hàng thư pháp ở các hội chợ xuân, từ chỗ là chân “sai vặt” của bố mình, dần dần niềm đam mê thư pháp đã ngấm vào Hoài khi nào không biết. Ông Nguyễn Thế Kỷ - bố của thầy đồ Nguyễn Bảo Hoài đã sớm nhận ra năng khiếu của con mình: “Những năm trước, khi còn học cấp ba, cháu thường đi phụ giúp tôi trông coi cửa hàng bán tranh thư pháp ở các hội chợ xuân, tuy nhiên, khi tôi viết thì Bảo Hoài cũng rất say mê, chăm chú xem, thi thoảng lại cầm bút viết thử. Ban đầu thì nguệch ngoạc, nhưng sau vài lần tôi thấy cháu có chút hoa tay và tố chất về bộ môn này. Đầu tiên viết cho vui, nhưng sau khi thấy cháu đam mê thì tôi chỉ, hướng dẫn thêm để đam mê của cháu được thành hiện thực”.
Không còn là chân “sai vặt” của bố mình, Nguyễn Bảo Hoài giờ đây đã trở thành “kép chính” trong những lần tham gia viết thư pháp tại các sự kiện, trong những hội chợ xuân tại Quảng Trị. Kế thừa năng khiếu từ bố, cùng với niềm đam mê của mình, Bảo Hoài nhanh chóng được nhiều người biết đến trong lĩnh vực viết thư pháp. Để đạt được trình độ viết thư pháp như ngày hôm nay, với Bảo Hoài đó là cả một quá trình khổ luyện. “Lúc đầu thì em viết trên những tờ lịch, ngồi liên tục cả mấy tiếng đồng hồ chỉ để tập viết một nét chữ. Học viết thư pháp mà không kiên trì là rất dễ bỏ cuộc. Khi nào mệt quá thì nghỉ ngơi cho khuây khỏa chừng mười lăm phút rồi tự ép mình ngồi viết tiếp. Ngày này qua ngày nọ thì mới đạt kết quả”. Thầy đồ Bảo Hoài nói về quá trình luyện thư pháp của mình như thế.
Khổ luyện trong quá khứ để rồi giờ đây, những bức thư pháp của thầy đồ Nguyễn Bảo Hoài được anh thổi hồn với những đường nét bay bổng, phóng khoáng. Theo Bảo Hoài, khi mới tập viết thư pháp thì người học phải tuân thủ theo từng nét căn bản nhưng khi đã thành thục, có kinh nghiệm thì thầy đồ có thể thoải mái sáng tạo, cách điệu theo yêu cầu của người xin chữ. Hiện nay, ngoài việc viết thư pháp trên giấy, Bảo Hoài còn viết trên gỗ thông và viết trên tranh đóng khung. Ngoài việc tham gia các hội chợ xuân, khi đã có “tên tuổi” trong làng thư pháp ở Quảng Trị thì nhiều người tìm đến nhà Bảo Hoài để xin chữ. Thông thường, khi đến nhà thì khách thường yêu cầu viết thư pháp đóng khung để làm quà tặng trong dịp tân gia, đám cưới, khai trương nhà hàng, khách sạn… Theo chia sẻ của thầy đồ Bảo Hoài, trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, những câu thơ, chữ thư pháp được khách xin nhiều nhất vẫn là những câu, chữ nói về tinh thần học vấn, sự hiếu đạo và an yên trong gia đình. Tiêu biểu cho những chủ đề này, thầy đồ Bảo Hoài đọc vanh vách như: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha/ Mẹ là suối nguồn/ Cha là biển cả… Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng/Bách nhẫn thành kim/Học, học nữa, học mãi…”.
Cho chữ, xin chữ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Điều này được nhà thơ Vũ Đình Liên khắc họa rõ nét trong bài thơ Ông đồ. Tuy nhiên, cũng có lúc nét đẹp này bị mai một, người xin chữ, cho chữ thưa dần và dẫn đến “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”. Không để phai đi nét văn hóa độc đáo của người Việt, nhiều người trẻ hôm nay, trong đó có thầy đồ Bảo Hoài mong muốn giữ gìn lại những giá trị xưa. “Tham gia viết thư pháp trong dịp đầu xuân, ngồi ở sân đình với mực tàu, bút, nghiên, áo dài, khăn đóng… nhiều bạn bè bảo em già trước tuổi. Đi ngược với những tiến bộ xã hội hôm nay. Tuy nhiên, em lại nghĩ khác, cho chữ, xin chữ là truyền thống, nét đẹp cần được giữ gìn. Không chỉ đơn thuần là việc xin chữ - cho chữ mà còn thể hiện được ước mơ, khát vọng, tinh thần hiếu học, sự trọng chữ trong từng câu đối, vần thơ. Đồng thời, góp phần giữ gìn văn hóa Việt”, Nguyễn Bảo Hoài tâm tình.
Từ ngày xưa, thói quen xin chữ, cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt Nam được xem là điều thiêng liêng, trang trọng. Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương, đất nước, tục cho chữ đầu năm vẫn được những người như ông đồ Bảo Hoài gìn giữ là điều đáng mừng. Ngoài niềm đam mê cá nhân thì việc theo đuổi bộ môn thư pháp cũng phần nào trau dồi sự điềm tĩnh, kiên trì đồng thời, qua đó yêu hơn những lời hay ý đẹp, những lời dạy của cha ông để áp dụng vào cuộc sống thực tại. Đó cũng là cách răn mình, khuyên người như thầy đồ trẻ Bảo Hoài chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin