Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện, thời gian qua, huyện Di Linh đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Cắm trại du lịch đang là hình thức được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Di Linh |
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, để thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn, Huyện ủy Di Linh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND huyện Di Linh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn này.
Trên cơ sở đó, huyện Di Linh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các điểm có tiềm năng phát triển du lịch nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác. Cụ thể, địa phương đã ban hành Chương trình Quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xây dựng cẩm nang hướng dẫn du lịch huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh đang triển khai 1 dự án đầu tư về du lịch tại Khu du lịch thác Bobla, xã Liên Đầm do Công ty Cổ phần Du lịch Bảo Lộc làm chủ đầu tư với tổng số vốn 475 tỷ đồng (đang đầu tư giai đoạn 2); 1 dự án đầu tư khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng do Công ty Cổ phần đầu tư Trang My Đạt làm chủ đầu tư tại Tiểu khu 661A, 685, khu vực thác Liliang, xã Gung Ré; 1 Dự án Làng văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho tại thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, các địa điểm cảnh quan thiên nhiên có tiềm năng phát triển du lịch đã được quan tâm khảo sát, đưa vào quy hoạch vùng huyện và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn huyện, như: hồ Ka La, núi Brăh Yàng, hồ Thủy điện Đồng Nai 2, Hồ Tây, Hồ Đông, hồ 1019, hồ Tân Lập, hồ Thanh Bạch, thác Phú Xuân, thác Bảy Tầng, Thác Tul...
Huyện Di Linh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn huyện theo đúng quy định.
Trong những năm qua, huyện Di Linh cũng chú trọng việc bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh cho biết thêm, trong thời gian qua, huyện Di Linh đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tại thác Bobla để Nhân dân các dân tộc giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, để hỗ trợ xây dựng, hình thành các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, huyện Di Linh cũng đã tập trung việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn huyện có 72 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng, văn hóa dân gian. Huyện cũng đã tổ chức 16 lớp truyền dạy cồng chiêng với 383 học viên tham gia, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng Lễ hội Nhô Lir Bông (Mừng lúa mới) của dân tộc K’Ho…
Đặc biệt, hiện nay, Dự án Hỗ trợ đầu tư bảo tồn giá trị truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số và miền núi tại thôn K’Long Trao, xã Gung Ré - một trong hai dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đang được triển khai. “Đây là nền tảng quan trọng để Di Linh thực hiện mục tiêu phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ và du lịch trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Vũ Đức Nhuần thông tin thêm.
Song song đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ trong việc tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng sự ổn định về an ninh trật tự, tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển các hoạt động du lịch. Ngoài ra, đối với Di Linh, phát triển du lịch phải gắn với công tác bảo vệ rừng. Bởi vậy huyện yêu cầu sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tạo nền tảng để phát triển du lịch nói riêng.
Với sự nỗ lực lớn của địa phương, mảng màu du lịch của Di Linh trên bản đồ du lịch chung của Lâm Đồng đã dần có những điểm tươi sáng. Tuy vậy, việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng, thế mạnh của huyện. Di Linh vẫn chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng địa phương; công tác quảng bá và xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay…
Trong nhiệm vụ đặt ra nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Di Linh xác định tiếp tục nỗ lực, quyết liệt để từng bước đưa du lịch trở thành một ngành đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin