Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên do nhà sưu tầm dân tộc học Đặng Minh Tâm và Công ty TNHH Vietnam Silk House thực hiện đang là điểm đến thu hút rất nhiều du khách, bởi sự hấp dẫn của hàng ngàn hiện vật trưng bày, cùng với những câu chuyện ý nghĩa từ các món đồ sưu tầm của chính chủ nhân; trong đó, có rất nhiều tượng gỗ đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Tượng gỗ của người Tây Nguyên là nghệ thuật khắc đẽo thô sơ, nhưng biểu cảm vô cùng phong phú |
Tượng gỗ của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên được nhận định một cách vui vẻ rằng: Tỉ lệ (các bộ phận của cơ thể) sai sai là tượng gỗ Kon Tum, Gia Lai; đúng thì ra tượng gỗ Lâm Đồng, Đắk Nông; mà tỉ mỉ thì là tượng gỗ Đắk Lắk. Từ đó, nhìn vào mỗi tượng đều có thể phân biệt được là tượng của dân tộc nào. Cụ thể: Tượng gỗ của người Bana ở Kon Tum đơn giản, chỉ dùng rìu vạt (phạt) trên khúc gỗ vài nhát là tạo nên các hình hài của bức tượng, với tỷ lệ của các bộ phận trên cơ thể đều sai một cách “bình thường”, như: khuôn mặt vuông phẳng tới đầu, chỉ ló lên chiếc mũi, đầu bằng; mắt được đẽo sâu vào, có khi chỉ 1 mắt; khung người rộng bằng vai; tay bắt đầu từ cổ, không có vai, khuỷu; bàn tay vuông có ngón tay bằng nhau... Tuy thô sơ, nhưng tượng gỗ của người đồng bào ở Kon Tum tạo nên nét đẹp, biểu cảm và thần thái phóng khoáng, rất đáng yêu...
Tượng gỗ của các dân tộc Bắc Tây Nguyên được đẽo vạt đơn giản |
Tượng gỗ của người Jrai (Gia Lai) thì chặt khấc ngang rồi mới phạt - bớt đơn giản hơn một chút so với tượng gỗ Kon Tum, có thêm các họa tiết đơn giản hình ngôi sao, ziczac... Tượng gỗ của các dân tộc Nam Tây Nguyên (Đắk Nông hay Lâm Đồng) thì mang tính tả thực rõ hơn, có sự trau chuốt, chạm khắc tỉ mỉ, điệu đàng..., có thể là một vòng đời (từ quen biết, yêu đương, có bầu, có con, đến vui chơi, bảo vệ buôn làng...); hay các công đoạn sản xuất (chọc lỗ, tra hạt, đuổi chim thú, gùi gạo về buôn, hát múa mừng lúa mới...); trong khi người dân tộc ở Đắk Lắk thường hay chạm khắc thêm con công, con chim, ngà voi... trên tượng.
Tượng của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên được chạm khắc trau chuốt, tỉ mỉ |
Tượng gỗ của người Tây Nguyên trước đây thường được đặt ở nhà mồ (nơi ở của người chết). Bởi theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác, nên khi còn sống, người ta thường chuẩn bị cho “cuộc sống” của người ở thế giới bên kia được vui vẻ, bằng cách khắc tượng từ các khúc gỗ tự nhiên, tạo nên loại hình nghệ thuật tượng gỗ độc đáo truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Các tác phẩm tượng gỗ có muôn hình, muôn vẻ được hình thành từ trí tưởng tượng của người khắc với các chủ đề gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất... của người dân Tây Nguyên.
Dãy cột tượng trong Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên |
Nhà mồ ở Tây Nguyên là nơi ở của người đã khuất, nên được chăm chút, tùy táng theo nhiều đồ vật. Nhưng cả Tây Nguyên, chỉ có ở 3 dân tộc là Bana, Jarai và Ê Đê là có nhà mồ cầu kỳ, có quy cách, khuôn mẫu, đặc biệt là có các cây cột tượng (cột đẽo khắc mọi chi tiết đều nằm trên một thân cây tròn, thường được dựng ở khu vực trung tâm (nhà rông, nhà dài, nhà thờ...) với mục đích góp vui cho các lễ hội, thậm chí là ở nhà mồ. Nhà mồ các dân tộc khác, chỉ là dựng một cái nhà có mái lợp bình thường để bỏ đồ tiễn theo người chết.
Du khách trong vườn tượng ở Thiên đường Tây Nguyên |
Đối với người Bana, khi trong làng có người chết, những người còn sống yêu thương, kính trọng người đã khuất bằng cách góp các cây cột tượng do chính họ hay người nhà đẽo, nên các cây cột tượng có độ cao thấp khác nhau và rất sinh động, đa dạng về hình thức, lẫn kiểu dáng và cảm xúc của mẫu tượng... Cột tượng được dựng xung quanh nhà mồ. Nhà mồ lúc mới dựng, được lợp bằng tôn, hoặc ngói, hay cỏ tranh. Sau 3 năm, con cháu có điều kiện làm lễ bỏ mả thì mái được thay bằng gỗ. Khác với nhà mồ của người Jarai (có mẫu nhà mồ là nhà dài ở Bảo tàng Dân tộc Việt Nam), các cây cột tượng kích thước tương đồng (cao thấp bằng nhau, to nhỏ bằng nhau... do chỉ có một, hai người làm tượng nên không phong phú).
Nhà mồ trong kiểu dáng nhà rông cao của người Bana |
Trong khu triển lãm Thiên đường Tây Nguyên có căn nhà mồ của người Bana, ở Bắc Tây Nguyên (vùng thấp của Kon Tum) đến Phú Yên, gần biển, có địa hình bằng phẳng, ít gió lớn... thường làm nhà mồ có kiểu dáng nhà rông cao rất đẹp (chiều cao của mái sẽ bằng tổng chiều dài và chiều ngang của căn nhà). Người Bana có 2 quan niệm, đó là: làm các cột tượng để tặng người chết mang về thế giới bên kia khỏi buồn; và, người sống làm nghề gì, thì khi họ chết sẽ tạc tượng theo nghề đó để con cháu nhớ. Đồng thời, trên các cây cột tượng cũng diễn tả vòng đời của con người một cách phồn thực (đôi nam nữ yêu nhau, có bầu, lớn lên lao động sản xuất, vui chơi...).
4 cột ở 4 góc nhà mồ (yang kut) là tượng người cầm vò rượu (gặp gỡ thế giới bên kia), người gùi lúa (thể hiện sự no đủ), người cầm tù và (báo động, thông báo), người cầm lao (bảo vệ). Có 2 cây nêu dựng ở đầu của nhà mồ (yang klao), mỗi cột tượng có 3 tầng bàn thờ (3 tầng sừng trâu hoặc 3 tầng rau dớn - thể hiện sự hồi sinh vĩnh cửu). 2 cây nêu đều có sợi dây thừng quấn từ gốc lên và nối liền với nhau qua mái nhà rông mang ý nghĩa làm đường đi để người chết về với ông bà tổ tiên (thế giới Atâu). Cột chính của nhà mồ có tạc tượng con voi (sức mạnh), nồi đồng (sự no đủ), con chim cú (thông minh, quyết đoán, bảo vệ linh hồn người chết), con chim Tlang trên cùng (chở ông bà về trời).
Tại khu triển lãm Thiên đường Tây Nguyên còn có một dãy cột tượng. Mỗi cột khắc một chủ đề khác nhau: về cuộc sống sinh hoạt, về đời sống lao động, về chu trình vòng đời... Trong đó, có cột tượng khắc hình 3 con vật là trâu, nai, cào cào - rất có ý nghĩa trong việc giải thích lễ đâm trâu - một lễ hội mang tính cộng đồng rất cao của người Tây Nguyên...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin