Nhà tù Sơn La - ''Trường học cách mạng''

THANH DƯƠNG HỒNG 05:48, 06/07/2023

Về Sơn La lần đầu, tôi đã đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La - nơi cách nay 115 năm, thực dân Pháp đã xây dựng để giam cầm, đày ải hơn 1.000 lượt tù chính trị và các chiến sĩ cách mạng nước ta bằng một chế độ lao tù vô cùng hà khắc. Song, nơi chết chóc này đã trở thành “trường học cách mạng” của những người cộng sản Việt Nam.

Nhiều phòng giam bị bom tàn phá chỉ còn trơ lại sàn nhà lỗm chỗm gạch, đá

Cuối thế kỷ XIX, khi đã thiết lập bộ máy cai trị trên vùng Tây Bắc nước ta, cùng với xây dựng tòa công sứ, nhà giám binh, công sở, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xây dựng một nhà tù. Đầu năm 1908, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả (nay Tổ 9, Phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La).

Ban đầu, chủ yếu giam cầm những người yêu nước và thường phạm, nên diện tích nhà tù chỉ có 500 m2. Ngày 3/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh cứu nước của Nhân dân ta. Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của cách mạng Việt Nam, cùng với việc xây dựng các nhà tù trên lãnh thổ Việt Nam để uy hiếp tinh thần đấu tranh của Nhân dân ta, thực dân Pháp mở rộng Nhà tù Sơn La 1.500 m2; đến năm 1940, mở rộng thêm 170 m2. Sau 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170 m2 và trở thành một “Địa ngục trần gian” giam cầm, giết dần, giết mòn tù nhân chính trị và những người Việt Nam yêu nước trong 37 năm tồn tại.

Xây dựng Nhà tù Sơn La giữa rừng núi hoang vu, hiểm trở, biệt lập, thực dân Pháp muốn tách rời mối quan hệ giữa tù chính trị với Nhân dân. Mặt khác, “mượn” môi trường khắc nghiệt để làm suy kiệt sinh lực và giết dần, giết mòn tù nhân. Để thủ tiêu tù nhân cộng sản “một cách êm thấm”, thực dân Pháp chủ trương “dồn” tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) về Nhà tù Sơn La. Từ năm 1930 đến 1945, chúng đã đày lên Sơn La 14 đoàn tù chính trị, với 1.013 lượt tù nhân. Trong đó, có nhiều nhà cách mạng xuất sắc như: Trường Chinh, Lê Duẫn, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch…

Với chế độ lao tù tàn độc, dịch bệnh và lao động khổ sai, giai đoạn 1930 -1936 hàng trăm chiến sĩ cộng sản và tù nhân bị giết, hoặc chết vì bệnh tật, gửi xác nơi nghĩa địa Gốc Ổi. 

Không thể để kẻ thù thực hiện ý đồ thâm độc, các đảng viên Nhà tù Sơn La đề ra chủ trương “Đấu tranh không ra Gốc Ổi” (nghĩa là không chờ chết vùi xác nơi nghĩa địa) mà phải sống để chiến đấu, chiến thắng. 

Cuối năm 1935, các tù nhân bí mật thành lập “Hội đồng Thống nhất” gồm 5 người, do đồng chí Trường Chinh (bí danh Cây Xoan) làm chủ tịch, đây là tổ chức chính trị tiền thân để hình thành Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nhà tù Sơn La. Dù bị theo dõi gắt gao; song, cuối tháng 12/1939, các đảng viên đã bí mật tổ chức hội nghị thành lập Chi bộ lâm thời (gồm 10 đảng viên), cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Đến 5/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức Đại hội, bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư và đề ra 5 nhiệm vụ: Chi bộ lãnh đạo hoạt động toàn diện nhà tù; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác-Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù; xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù; tìm mọi cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo... Chi bộ đã thành lập 12 Ban để giúp đỡ nhau trong đời sống và hoạt động.Sự ra đời, lãnh đạo của Chi bộ và hoạt động tích cực các ban đã lan tỏa phong trào yêu nước trong ngục tối. Nhiều quần chúng ưu tú được các đảng viên dạy học chữ, bồi dưỡng chính trị… và được kết nạp vào Đảng. Chi bộ có hơn 50 đảng viên, đa số là những đồng chí ưu tú, trải nghiệm qua các nhà lao đế quốc, dày dạn kinh nghiệm đã bí mật lãnh đạo tù nhân chính trị Nhà tù Sơn La thực hiện nhiều cuộc đấu tranh, tổ chức thành công cuộc vượt ngục cho 4 tù nhân; làm “phá sản” âm mưu ban đầu của thực dân pháp, khiến chúng vô cùng điên cuồng, tức tối…

Đặc biệt, ngay giữa chốn lao tù, Chi bộ đã biên soạn, xuất bản tờ báo “Suối reo” (mỗi tháng 2 số), tập hợp các bài viết về nghị luận chính trị, tuyên truyền, thơ, văn, châm biếm… 

Trong 5 năm thành lập và hoạt động, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã lãnh đạo tù nhân biến nơi tối tăm, chết chóc này thành “trường học cách mạng”. Chi bộ đã bồi dưỡng, rèn luyện và bổ sung gần 200 cán bộ, đảng viên cho cách mạng ngay sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945) và Nhà tù Sơn La được giải phóng.

Qua 2 lần bị ném bom nhằm xóa sạch dấu vết tội ác, lần thứ nhất (năm 1952) khi Pháp rút khỏi Sơn La và lần thứ 2 (năm 1965) Mỹ đánh phá thị xã Sơn La, Nhà tù Sơn La bị tàn phá nghiêm trọng. Bảo tàng Sơn La nhiều lần phục chế, san lấp các hố bom, xây lại một số đoạn tường rào, hầm ngầm, phòng giam, chòi canh…

Nhà tù Sơn La được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962, Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Di tích Nhà tù Sơn La hiện là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho các dân tộc tỉnh Sơn La và Nhân dân cả nước.