Có một ngôi trường như thế

THÀNH NAM 00:12, 17/08/2023

Tháng Tám về với miền Trung, thu chưa qua, hạ vẫn còn đặc quánh. Nói đến Quảng Trị là nói đến mảnh đất khốc liệt trong chiến tranh. Nơi ấy có dòng sông máu mang tên Thạch Hãn với “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” và Thành cổ Quảng Trị có “... đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”. Vậy nhưng, nơi đây còn một di tích thấm đẫm nước mắt, từng làm dày thêm nỗi nhớ của du khách khi đến tham quan và trải nghiệm. Đó chính là Trường Bồ Đề. 

Trường Bồ Đề - chứng tích lịch sử đau thương tại Quảng Trị
Trường Bồ Đề - chứng tích lịch sử đau thương tại Quảng Trị

Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại, sự đủ đầy đang hiện hữu trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Vậy nhưng ở nơi này, trong cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 có những địa điểm hứng trọn sự ác liệt của chiến tranh với mưa bom, bão đạn. Trường Bồ Đề tại thị xã Quảng Trị là một nơi như thế. Cùng với di tích Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn thì Trường Bồ Đề là một trong những nơi chịu sự tổn thất nặng nề trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trường Bồ Đề nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cách Thành cổ Quảng Trị khoảng hơn 1 km, là chứng tích của tội ác, là những gì đau thương nhất mà Quảng Trị phải hứng chịu trong chiến tranh. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn. Quảng Trị vào thời điểm này được ví như một “túi bom”, như “máy xay thịt” khổng lồ. Lượng bom đạn mà kẻ thù ném xuống Quảng Trị tương đương 7 quả bom nguyên tử. Tuy nhiên, trước sự tàn phá khủng khiếp của giặc nhưng Trường Bồ Đề vẫn là công trình còn tồn tại sau chiến tranh. Về với Trường Bồ Đề tại thị xã Quảng Trị, du khách trong và ngoài nước lắng lòng nhớ về sự ác liệt của chiến tranh. Những gì còn sót lại của ngôi trường 2 tầng này chính là những mảng tường loang lổ vết bom đạn, những cột, trụ bị nứt toang hoác, trần nhà lộ rõ những sợi dây thép lởm chởm, cửa nẻo không còn…

Xuôi về quá khứ, ngôi trường này có nguồn gốc hình thành khá đặc biệt. Năm 1956, Trường Bồ Đề do Hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị thành lập, lúc đầu, trường nằm phía sau chùa Phật Học - ngày nay thường gọi là chùa Tỉnh Hội. Trường dạy các lớp 6, 7 và 8. Đến năm 1959, với sự chung tay đóng góp của phật tử, ngôi trường được xây dựng lại ở vị trí mới, nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1960, trường hoàn thiện và đưa vào dạy học với các lớp từ 9, 10 và 11. Ở Trường Bồ Đề không có lớp 12 tức là lớp đệ nhất thời bấy giờ. Vì vậy, nếu ai có nhu cầu học lớp 12 thì phải đến Trường Nguyễn Hoàng để theo học.

Đến Trường Bồ Đề, ngoài việc tìm hiểu về ký ức của cuộc chiến tranh, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, du khách còn nặng lòng với những kỷ niệm của thời học sinh. Bảng viết không còn đen mà đã bạc phếch vì dấu thời gian, phấn trắng đã nhòa đi bởi sương gió. Vậy nhưng, đến với ngôi trường này chúng ta vẫn còn ngậm ngùi bởi những dấu tích rất đáng trân trọng. “Lớp cũ trường xưa vẫn còn đó/ Thầy cô, bạn cũ ở phương nào?” Hai câu thơ được viết trong một phòng học tại Trường Bồ Đề làm lay động lòng người với những ai đã từng học, từng lĩnh hội kiến thức dưới mái trường này. Với ý nghĩa này, trường được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Quảng Trị một ngày trong xanh và lộng gió. Sự đối đầu, chia cắt trong chiến tranh đã được thay bằng hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải. Những địa danh như Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương, sông Thạch Hãn hay Trường Bồ Đề là những dấu tích của chiến tranh, là những nỗi đau thương, mất mát trong quá khứ nhưng cũng là những “địa chỉ đỏ” trong thời bình để bồi đắp về lòng yêu nước, là nơi sáng mãi truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay học và noi theo.