Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2022 ở Việt Nam (tiếng Anh: The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index - viết tắt Chỉ số PAPI) do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) công bố, Lâm Đồng thuộc 1 trong 5 tỉnh, thành trong nước được người dân qua phỏng vấn muốn đến sống nhất.
Trong năm 2022, nghiên cứu Chỉ số PAPI tiếp tục tìm hiểu nhu cầu chuyển hẳn đến sinh sống ở tỉnh, thành phố khác trong nước hoặc ở quốc gia khác của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình toàn quốc có khoảng 1,6% số người được hỏi cho biết họ muốn chuyển hẳn khỏi nơi đang sinh sống đến tỉnh/thành phố khác ở Việt Nam tương đương với tỉ lệ của năm 2021.
Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh có tỉ lệ người trả lời cho biết họ muốn rời đi cao nhất toàn quốc, với 3,45% số người được hỏi cho biết họ muốn chuyển hẳn tới một tỉnh, thành phố khác trong nước. Tiếp đến là bốn tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long là Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ và Cà Mau.
Điều đáng chú ý là Cần Thơ cũng là một trong 6 địa phương nhiều người từ các địa phương khác muốn chuyển đến sinh sống nhất.
Trong danh sách 5 tỉnh, thành phố hấp dẫn người dân từ các địa phương khác tới sinh sống có Lâm Đồng.
Cụ thể, theo thứ tự hấp dẫn nhất là TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ 18,36%; kế đến là Hà Nội, tỷ lệ 12,53%; Đà Nẵng đứng thứ ba với tỷ lệ 9,78%; Lâm Đồng xếp thứ 4 với tỷ lệ 6,39% và Bình Dương đứng thứ 5 với 3,80%.
So với kết quả khảo sát năm 2021, Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn thứ năm, thay cho Cần Thơ xuống thứ 6 (với 3,68%).
Cũng theo báo cáo này, các tỉnh ít được ưa chuộng, ít thu hút người đến nhất là Bắc Kạn, Điện Biên, Bạc Liêu, Hà Giang và Hậu Giang. Bạc Liêu vẫn ở trong nhóm ít được ưa chuộng nhất kể từ năm 2020.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin