Nhiều văn bản về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới

LÊ HOA 15:30, 15/08/2023

(LĐ online) - Ngày 15/8/2023, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham gia ý kiến tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham gia ý kiến tại hội nghị

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng; cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và đại diện các doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, nhấn mạnh: “Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Nghị quyết 82/NQ-CP định hướng phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…”.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận về nội dung  giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; một số mô hình phát triển sản phẩm kinh tế đêm, giới thiệu những mô hình phù hợp với điều kiện của các địa phương…

Nghị quyết 82/NQ-CP đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững, nhấn mạnh: Du lịch giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vì: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia; khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam…  

Quang cảnh họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Quang cảnh họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn còn nhiền tồn tại, hạn chế: Hành lang pháp lý chưa có sự đột phá; các chiến lược, chính sách chưa kịp thời điều chỉnh; chưa hình thành hệ sinh thái kinh tế, kết nối, chia sẻ dịch vụ, sản phẩm du lịch; chính sách thị thực còn điểm chưa phù hợp; hoạt động xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện quốc tế còn thiếu, hạn chế nguồn nhân lực; sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy hết các giá trị sẵn có; hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế; chuyển đổi số chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa du lịch và các ngành khác…

Nghị quyết 82 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch…

Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, nhằm: Quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Gồm 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung là: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch; nâng cao năng lực marketing du lịch.

Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm với mục tiêu: Phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. 5 mô hình được gợi ý là: hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…