Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã

NGUYỄN NGHĨA 15:19, 29/09/2023

(LĐ online) - Ngày 29/9, tại Đà Lạt, trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban Quản lý dự án VFBC Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã” nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên, động vật hoang dã cho các chủ nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, đồng thời thúc đẩy sự tham gia và hợp tác liên ngành giữa các bên có liên quan vào công tác giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã. 

Đại diện Ban Quản lý dự án VFBC Trung ương; đại diện quản lý hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học WWF Việt Nam và Vườn QG Bidoup Núi bà tại buổi toạ đàm.
Đại diện Ban Quản lý dự án VFBC Trung ương; đại diện quản lý hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học WWF Việt Nam và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tại tham dự buổi toạ đàm

Tham dự có đại diện Ban Quản lý dự án VFBC Trung ương; đại diện quản lý hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học WWF Việt Nam; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các Hạt Kiểm Lâm, Ban Quản lý bảo vệ rừng và hơn 30 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Chi Cục kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng và Sở Văn hoá TT và Du lịch Lâm Đồng dự toạ đàm.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng dự toạ đàm

Trao đổi tại buổi tạo đàm, ông Hoàng Hoa Quân – Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch lữ hành - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam được xếp thứ 16 trong 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Trên cạn có 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật (312 loài thú, 840 loài chim, 317 loài bò sát…). Sinh vật nước ngọt 1.028 loài cá... Sinh vật biển 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Hiện Việt Nam có 173 khu bảo tồn gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan, 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố... Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại rừng đặc dụng thu hút hơn 2 triệu lượt khách, thu về hơn 100 tỷ đồng.

Ông Hoàng Hoa Quân – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý lữ hành Cục Du lịch quốc gia VN chia sẻ về cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã.
Ông Hoàng Hoa Quân – Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ về cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã

Cơ hội phát triển du lịch thiên nhiên hiện nay đang là xu hướng và sẽ tiếp tục phát triển vì nhu cầu loại hình du lịch này hiện đang được nhiều người yêu thích; tuy nhiên kèm theo đó, cũng có rất nhiều thách thức. Chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã, ông Quân nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất khi triển khai loại hình du lịch này, nhất là ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì phải được tổ chức với sự hỗ trợ về công tác chuyên môn của những nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ ngành Lâm nghiệp. Bởi, các hoạt động du lịch ở những nơi này nếu tổ chức không tốt sẽ có thể làm gia tăng sức ép về khai thác quỹ đât cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch từ đó kéo theo những sức ép về tập tục sinh hoạt và sự sống với các loại hoang dã vì nhu cầu của khách về quan sát, chụp ảnh, săn lùng nhu cầu thực phẩm, lưu niệm… vì vậy mà có thể phá hủy cân bằng sinh thái vốn có…

Chia sẻ về giá trị của động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng như hoạt động du lịch, bảo tồn của Vườn, ông Phạm Văn Dân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia cho biết: Vườn là một vùng cảnh quan có giá trị cao cho bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như toàn cầu. Vườn hiện có nhiều loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn còn sinh sống, mang đến hy vọng cho công tác bảo tồn lâu dài đa dạng sinh học độc đáo của Việt Nam. Hiện nay, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà hợp tác Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) và Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) thực hiện khảo sát bẫy ảnh trên toàn bộ diện tích của Vườn, ghi nhận mức độ đa dạng sinh học về thú rất cao, ít nhất 21 loài, với 7 loài đang bị đe dọa toàn cầu.

Ông Phạm Văn Dân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chia sẻ những nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật

Tuy nhiên, cũng theo ông Dân, động vật hoang dã của Vườn cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu và việc bị thu hẹp môi trường sống và đặc biệt là vấn nạn săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Hiện, Vườn đã có nhiều nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật. Ông cũng kêu gọi, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và các công ty du lịch ở địa phương nói riêng cần tham gia và ủng hộ các cam kết chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã; thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động, thực vật hoang dã. 

Đại diện các đơn vị du lịch, nhà hàng, khách sạn tham dự buổi toạ đàm
Đại diện các đơn vị du lịch, nhà hàng, khách sạn tham dự buổi toạ đàm

Tại buổi toạ đàm, các đơn vị du lịch, nhà hàng, khách sạn cùng với các chuyên gia bàn thảo về những cơ hội và thách thức trong việc phát triển du lịch, phân tích những tác động xâm hại, nguy cơ động vật hoang dã đang đối diện thông qua mặt trái của các hoạt động du lịch, làm sao giải quyết một cách hài hòa, bền vững, tránh xung đột giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã và cùng cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã giữa ngành Du lịch, lực lượng kiểm lâm và các công ty lữ hành và du lịch.

Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi toạ đàm

Các đại biểu cũng đã cam kết không trao đổi, mua bán, cung cấp thịt động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho hướng dẫn viên, du khách về các vấn đề liên quan đến bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã, trong đó các hướng dẫn viên sẽ trở thành đại sứ thiện chí về bảo vệ động vật hoang dã…