Tôi về Tà Cơn vào những ngày tháng Chín. Những hạt mưa lóng ngóng rơi trên vùng đất này làm cho không khí trở nên mát mẻ và dễ chịu. Đường đi không quá khó để đến với Di tích lịch sử sân bay Tà Cơn. Vì thời tiết biết chiều lòng người nên từng đoàn khách du lịch hướng về địa điểm này mỗi lúc mỗi đông hơn so với thường lệ. Trong những dịp lễ, tết, với những người đam mê tìm hiểu lịch sử, thích “sống ảo” thì Di tích sân bay Tà Cơn vẫn có sức hút kỳ lạ, là điểm đến không thể thiếu trong chuyến hành trình về vùng “đất thép” Khe Sanh.
Du khách đến tham quan sân bay Tà Cơn |
Quảng Trị - một vùng đất khó thuộc duyên hải miền Trung, từng chịu đựng bao sự ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Ngoài Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Trường Bồ Đề thì sân bay Tà Cơn cũng là một điểm đến khó có thể bỏ qua khi bạn đến vùng đất này.
Ngược quá khứ, xuôi về lịch sử, trong những năm 1966 - 1968, tại chiến trường Khe Sanh, sân bay Tà Cơn từng là một cứ điểm quân sự quan trọng nằm trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara do quân đội Mỹ thiết lập dọc vỹ tuyến 17, với mục đích ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Cách thành phố Đông Hà khoảng 70 km, sân bay Tà Cơn dùng để làm nơi cất, hạ cánh của các loại máy bay như: vận tải, phản lực chiến đấu... Với diện tích gần 10.000 m2, sân bay ngày đó được lát bởi những tấm ri sắt kết nối với nhau rất kiên cố. Ngày nay, Di tích sân bay Tà Cơn thuộc thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây trở thành điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi khi họ có dịp ghé thăm Quảng Trị.
Hiện tại, ở sân bay Tà Cơn còn 3 chiếc máy bay khá nguyên vẹn cùng với 1 chiếc đã bị hư hỏng nặng. Sau ngày đất nước thống nhất, công cuộc trùng tu sân bay Tà Cơn đã được triển khai. Tuy nhiên, do còn khó khăn nên quá trình trùng tu chưa khả thi, chưa mang lại sự đổi thay rõ nét. Đến với sân bay Tà Cơn, ngoài những chiếc máy bay, nơi đây, du khách còn được tìm hiểu thêm những loại vũ khí, súng đạn của quân đội Mỹ và quân giải phóng được bố trí bài bản tại Nhà bảo tàng được xây dựng ngay trong sân bay. Bên cạnh đó, ở đây còn có những chiếc xe tăng, những vỏ bom, đạn với trọng lượng lớn được xếp ngay ngắn như nhắc nhở cho thế hệ trẻ về một thời ác liệt của cuộc chiến tranh tại chiến trường Quảng Trị.
Di tích sân bay Tà Cơn tại Quảng Trị đã được Bộ Văn hóa Thể thao xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QÐ-BVHTT ngày 12 tháng 12 năm 1986. Thời gian gần đây, di tích này đã được trùng tu, quản lý và mỗi năm đón nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, sân bay Tà Cơn đã đón rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Trong lộ trình tham quan, du lịch, cùng với các di tích như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, Nhà tù Lao Bảo là những địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách. Trong số những đoàn khách đến tham quan Di tích sân bay Tà Cơn, chúng tôi bắt gặp nhiều du khách đến từ các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương và TP Hà Nội. Ngoài ra còn có những người dân Quảng Trị vẫn rất “chịu khó” và háo hức đến tìm hiểu, chụp hình lưu niệm tại khu vực Nhà bảo tàng, đặc biệt là những chiếc máy bay ở phía bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Ấn một người con của vùng đất Triệu Phong, Quảng Trị cũng dành những ngày nghỉ của mình để tham quan Di tích lịch sử sân bay Tà Cơn. “Đây là lần đầu tiên chị đến tham quan tại di tích sân bay Tà Cơn với một cảm xúc rất đặc biệt. Những hiện vật trong bảo tàng, những chiếc máy bay, xe tăng cùng rất nhiều vỏ bom đạn đã giúp chị hiểu hơn về cuộc chiến tranh. Ngoài ra, khi đến nơi này, mình càng thấu hiểu về những hy sinh mất mát của các anh bộ đội, những người không tiếc xương máu để chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Chiều Tà Cơn mưa rơi nhẹ, từng cơn gió thoảng đưa. Thị trấn Khe Sanh chìm trong sương. Đâu đó từng đoàn người vẫn hối hả tìm về sân bay Tà Cơn để nhớ về một thời hào hùng của quá khứ. Chiến tranh đã lùi xa, sự hy sinh, mất mát và đau thương đã không còn mà thay vào đó là bức tranh quê thanh bình và yên ả. Cuộc sống đủ đầy và no ấm với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu và những công trình điện gió đang hiện hữu. Chỉ một lần tìm về vậy thôi mà Tà Cơn vẫn lắng đọng trong ta với bao dư âm và hoài niệm, nơi đây vẫn là một địa chỉ để ta đến, ta yêu và ta nhớ mãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin