Báo cáo hồ sơ khoanh vùng di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương

LÊ HOA 08:18, 10/11/2023

(LĐ online) - Ngày 9/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Đà Lạt để nghe báo cáo hồ sơ khoanh vùng di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở ngành và thành phố Đà Lạt về hồ sơ khoanh vùng di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Đà Lạt về hồ sơ khoanh vùng di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương

Lý do chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, được bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết: Ranh giới thắng cảnh hồ Xuân Hương được UBND tỉnh Lâm Đồng khoanh vùng cách đây 26 năm (1997) bằng hình thức thủ công  không rõ ràng về phạm vi ranh giới khu vực 1 và 2 của di tích; không còn phù hợp với các quy định hiện nay của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan; không còn phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Bên cạnh đó, hạ tầng khu vực bảo vệ của di tích và các khu vực xung quanh di tích đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Quyết định số 692/QĐ-UB ngày 17/5/1997 của UBND tỉnh (thuộc Phường 2 - Đà Lạt). Hiện nay, khu vực xung quanh thắng cảnh hồ Xuân Hương thuộc địa bàn các phường 1, 3, 8, 9, 10, thành phố Đà Lạt. Mặt khác, qua rà soát hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích năm 1988 được lập bằng sơ họa bản vẽ tay và đo lại vào năm 1997; đến nay, chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ. Hiện trạng sử dụng đất và hạ tầng khu vực xung quanh đã có nhiều thay đổi, diện tích khoanh vùng trước đây so với thực tế hiện nay không chính xác do sai số đo đạc.

Di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương được xếp hạng (năm 1988) trước thời điểm Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL.

Hiện trạng hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định, cụ thể: không có khảo tả di tích; bản vẽ kỹ thuật di tích, các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật theo quy định: không thể hiện được đường đồng mức và vị trí các công trình xây dựng thuộc khu vực danh lam thắng cảnh. (Các bản vẽ hiện tại chỉ là bản vẽ photo, khoanh vùng bằng mực màu trên nền phô tô)….

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Đà Lạt, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo các nội dung liên quan đến việc chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương... Theo đó, 3 cơ sở pháp lý để thực hiện khoanh vùng di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương là Thông tư 09/2011/TT- BVHTTDL; Thông tư 18/2022/TT-BVHTTDL, ngày 28 tháng 12 năm 2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT- BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; Quyết định 704/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 05 năm 2014, của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, nhấn mạnh: UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương về thực hiện công tác khoanh vùng thắng cảnh hồ Xuân Hương với mục đích vừa đảm bảo chỉnh trang đô thị, vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn di sản và tạo điều kiện để phát triển… Tuy nhiên, để hài hoà giữa công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch làm đầu mối, phối hợp với thành phố Đà Lạt và các sở ngành liên quan rà soát các quy định về xây dựng, quy hoạch, khảo sát thực tế, dự trù kinh phí thực hiện khoanh vùng di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương trước ngày 31/12/2023.

Theo quy định tại Điều 32 Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khu vực bảo vệ di tích bao gồm 2 khu vực bảo vệ.

Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Hoạt động xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Việc xác định khu vực bảo vệ I đối với danh lam thắng cảnh phải đảm bảo cho việc giữ gìn sự toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó. Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường - sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.


Từ khóa:

Hồ Xuân Hương