Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

PHẠM LÊ 20:33, 15/11/2023

(LĐ online) - Ngày 15/11, tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” tại Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững tại Hà Nội

Báo cáo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Du lịch đã từng bước khôi phục trở lại, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ.

Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021, Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số xếp hạng này cao nhất.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.

Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện…

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, định hướng về xây dựng văn bản, quản lý nhà nước; quảng bá, xúc tiến du lịch; chuyển đổi số trong du lịch… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của bgành…

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng xác định những thời cơ và thách thức, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và định hướng lớn phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

Một là, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.

Hai là, đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Ba là, tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch.

Bốn là, đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.

Năm là, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Riêng tại Lâm Đồng, trong 10 tháng năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt khoảng 6.950 ngàn lượt (tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 81,8% kế hoạch năm 2023); trong đó, khách quốc tế đạt 328 ngàn lượt (tăng 264,4 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 131,2% kế hoạch năm 2023). Khách qua lưu trú đạt 5.100 lượt (tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 78,5% kế hoạch năm 2023).