Cây lá phong đặc hữu Đà Lạt trút lá trong suốt mùa thu sang đầu mùa đông hàng năm, luôn lôi cuốn bước chân du khách trải nghiệm thú vị trên thành phố này.
Du khách thuê trang phục kimono Nhật Bản chụp hình bên hàng cây lá phong cuối thu tại Khu du lịch Lá Phong, Đà Lạt |
Một ngày đầu tháng 11/2023, phóng viên đến Khu du lịch Lá Phong (Đặng Thái Thân, Đà Lạt) vào lúc khoảng 10 giờ sáng, nắng vàng lấp lóa giữa ngàn hoa, lá, cành đang chuyển mùa thu sang mùa đông. Chị Nhung cùng gia đình đến từ Hà Nội thuê trang phục kimono Nhật Bản dạo bước và dừng lại lưu khá nhiều góc ảnh bên hàng cây lá phong đặc hữu của thành phố ngàn thông Đà Lạt. Chị Nhung cảm nhận: “Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt mùa này với những hàng cây lá phong rực vàng lạ mắt. Đứng trên hồ cá koi, dạo góc phố Nhật Bản, ngồi nhâm nhi cà phê Kokora bên ngôi nhà 130 mái, len lỏi trong hàng cây quý hiếm khác ở đây đều được chiêm ngưỡng những cành lá phong Đà Lạt đổi màu…”.
Dạo gót một vòng Khu du lịch Lá Phong cuối thu, phóng viên ghi nhận thực địa phân bổ đều khắp cây lá phong trên địa hình bậc cấp, bên cạnh nhiều tầng cây bản địa của Đà Lạt - Lâm Đồng trên cao như tùng, du sam, pơ mu; dưới thấp với loài hoa ngọc thảo, cẩm tú cầu, xác pháo, chuỗi ngọc, cúc họa mi… được chăm sóc tươi tốt mỗi ngày, phối cảnh hài hòa giữa khu đồi thông trung tâm phố Đà Lạt.
Anh Lê Hoàng Duy, phụ trách Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt ước tính cả khu du lịch với diện tích hơn 5 ha cây xanh thuộc hàng trăm loài quý hiếm, đặc biệt đang “canh tác” ổn định loài lá phong đặc hữu Đà Lạt với hơn 2.000 cây từ đầu những năm 2000 đến nay. Trong đó ước có hàng trăm cây sinh trưởng với chiều cao từ 6 - 7 m, tán lá phủ rộng 4 - 5 m, đường kính gốc 30 - 40 cm. Còn lại các “số đo” trung bình chiều cao, tán lá, đường kính gốc lá phong Đà Lạt lần lượt 4 m, 3 m và 20 cm. “Lá cây phong Đà Lạt đặc tính thay đổi sinh trưởng theo mùa. Vào mùa hạ, phiến lá có màu xanh nhạt ở bề mặt phía trên, phía dưới có màu trắng nhạt. Lá cây phong chuyển màu đỏ vào khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 khi đâm chồi, nảy lộc. Thời điểm tháng 9 đến tháng 12, cây lá sum suê chuyển màu vàng sang màu đỏ với phiến lá rộng bằng bàn tay xòe. Du khách đến Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt chụp hình và ngắm lá phong đẹp nhất thường tập trung trong buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30…”, anh Duy cho hay.
Phụ trách Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt còn cho biết, bên cạnh cây lá phong còn có khoảng 500 cây mai anh đào Đà Lạt từ 10 - 20 năm tuổi vào mùa bung hoa rực hồng kéo dài cả tháng trước và sau Tết âm lịch thì đúng lúc lá phong nhuộm một màu đỏ thẫm. Ở đây cây mai anh đào phát triển tương đương với cây lá phong với chiều cao đạt đỉnh 6 - 7 m; đường kính gốc 30 - 40 cm; tán lá rộng 3 - 4 m, được chăm bón cùng chế độ đối với các loài cây lá kim, cây hoa thân gỗ lâu năm. Cụ thể Khu du lịch Lá Phong bố trí 3 kỹ thuật viên chính chăm sóc các loài cây xanh, tiểu cảnh hoa viên đảm bảo xanh tốt, bung hoa nối tiếp hàng ngày. Đáng kể vào đầu mùa mưa hàng năm, các kỹ thuật viên tiến hành đắp bồn xung quanh gốc cây lá phong, cây mai anh đào và các loại cây kiểng lâu năm. Sau đó rải vôi, bón phân hữu cơ với liều lượng cân đối, phù hợp từng tuổi sinh thái của cây. Và sau cùng là cắt cành, tỉa tán, giúp cây đâm chồi, nảy lộc mới, nở hoa nhuận sắc cho mùa sau.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chủ nhân Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt kể lại hơn 20 năm trước, ông cùng với các nhà nghiên cứu đa dạng sinh học trong tỉnh Lâm Đồng đi vào các khu rừng Bidoup - Núi Bà; xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương; Tuyền Lâm, Đà Lạt tìm kiếm hạt cây lá phong về ươm trồng trên diện tích gần 5 ha tại khu thung lũng đường Đặng Thái Thân, Đà Lạt. Đến nay, khu thung lũng này có hơn 2.000 cây phong, không chỉ đáp ứng sự khám phá, tìm hiểu đối với khách du lịch tại Khu du lịch Lá Phong Đà Lạt, mà còn vào thời điểm mùa hạ hàng năm nhân giống cây con mọc lên từ hạt rụng tự nhiên dưới tán cây mẹ, qua đó thường xuyên bổ sung, đảm bảo mật độ cần thiết, đồng thời, cung cấp theo nhu cầu phát triển cây xanh cảnh quan trong thành phố ngàn hoa này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin