Tại một vùng quê ở thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có 1 nghề được duy trì từ đời này sang đời khác và trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt. Đó là nghề lấy đất mưu sinh, gọt giũa đất thành “bánh ngói” và biến đất thành món ăn độc đáo cho một vùng quê rất riêng.
Những miếng đất ngói sau khi gọt giũa có màu trắng sữa được cho lên bếp hun khói |
Tục ăn đất , trong ký ức của dân làng thị trấn Lập Thạch đã là món ăn phổ biến, được giao thương buôn bán ở chợ và gắn liền như 1 nghề mưu sinh như bao nghề khác.
Theo sách “Lĩnh Nam Chích quái”, khi nói về tục cưới xin thời Hùng Vương “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, cho rằng đây là 1 nghi lễ thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng xuất phát từ tục ăn đất tồn tại trong cộng đồng người Việt cổ và các dân tộc khác. Đất từ lâu đời là một biểu tượng thiêng liêng là nguồn sống của cư dân nông nghiệp gắn liền với văn hóa lúa nước…
Khách thử thưởng thức ngói cùng trà với vị rất béo và bùi |
Theo các nhà nghiên cứu, những đất này có thể chứa các khoáng chất có thể bổ sung cho cơ thể con người. Cũng có giả định rằng có thể cuộc sống ngày xưa quá khó khăn nên ông cha ta đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phát minh ra loại thực phẩm “trời ban”.
Đất được bày bán ở chợ như một món hàng ăn như bao món ăn khác. Ngày trước, trẻ em và phụ nữ cũng như những người dân trong làng xem đất như là một món “kẹo” không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Nghề đào đất cũng thấm đẫm mồ hôi và gian nan, vất vả. Muốn đào được đất ngói người đào phải là những người có sức khỏe tốt và có kinh nghiệm nhận biết những vùng đất có đất ngói. Ở thị trấn Lập Thạch có một quả đồi mà dân gọi là đồi vàng. Đây là khu vực có nhiều đất ngói nhất.
Để lấy được đất , người ta phải đào 1 hố sâu từ 5 - 6 m, gọi là hầm ngói hay 15 - 20 m, gọi là giếng ngói. Để đạt đến độ sâu có đất ngói, 2 thanh niên có sức khỏe tốt cũng mất vài ngày để đào với những phương tiện đào truyền thống như cuốc, xẻng…
Khi đào thấy những tảng đất màu vàng như đá tảng, người ta lấy lên phơi khô cho bay mùi sau đó gọt giũa cạo sạch đất bên ngoài tạo thành những bánh ngói màu trắng sữa có kích thước bằng 2 hoặc 3 ngón tay. Những tảng đất này được hun với lá sim và rơm cho có mùi khói trước khi ăn. Thành phẩm bánh ngói được bán theo kg tùy vào nhu cầu của người dân.
Khi thế hệ cha ông già đi không còn sức để đào đất nữa, thế hệ con cháu sau này một số người lại tiếp nối nghề, số lại đi theo nghề khác để kiếm sống. Tuy nhiên, khi xã hội càng hiện đại, nghề này có nguy cơ biến mất.
Bà Hoa, 62 tuổi, là chủ quán bán đất ngói mà tôi nhiều lần hẹn trước. Bà cũng là chủ gia đình đã chuẩn bị cho chúng tôi 2 túi chứa đầy đất ngói. Qua câu chuyện, bà kể cho chúng tôi nghe rằng, đất ngói bây giờ rất hiếm vì chẳng còn ai đi đào.Thanh niên giờ lớn lên đi học và đi theo nghề khác. Ít người tiếp nối nghề đào đất nữa vì lý do kinh tế và sức khỏe. Theo xu hướng xã hội, người dân nơi đây giờ cũng không còn xem đất là món ăn thường nhật khi có quá nhiều kẹo bánh và ngành công nghiệp thực phẩm phát triển mạnh.
Điển hình là con của bà Hoa giờ cũng không ai theo nghề, có đứa làm bác sĩ, đứa làm giáo viên, đứa út ở nhà với bà mở quán cà phê buôn bán ngay sau quả đồi mà gia đình bà từng mưu sinh. Những miếng đất ngói sau đồi vàng cùng nghề mưu sinh đã nuôi con bà khôn lớn, ăn học nên người, sắp trở thành hoài niệm.
Bánh ngói bây giờ tại cửa hàng bà Hoa có là bánh ngói còn sót lại bà để dành. Cách đây mấy năm, khi mở đường, quả đồi vàng gần như được san phẳng. Đất được máy xúc lên, xẻ ra và bà ra tìm nhặt đem về cắt gọt để dành. Hiện tại, nhiều du khách vẫn tìm đến hỏi đất ngói như một món quà lưu niệm khi về vùng Lập Thạch.
Việc gìn giữ tập tục truyền thống ăn đất độc đáo và nghề mưu sinh buôn bán đất ngói ở ngôi làng tại Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay là điều nan giải. Cuộc sống phát triển gắn liền với kinh tế, việc bảo tồn tập tục cần phải có sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự chung tay của xã hội và người dân. Khi sản phẩm được tạo ra vất vả mà nhu cầu con người ít đi khiến nghề nào cũng khó tồn tại.
Vì vậy, nếu không có giải pháp bảo tồn thì thêm ít năm nữa, có lẽ sẽ chẳng còn ai duy trì nghề mưu sinh này nữa. Việc buôn bán đất ngói dễ trở thành câu chuyện “vang bóng một thời” của lịch sử.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin