(LĐ online) - Lần đầu tiên một đám được tổ chức trên chuyến tàu du lịch cổ và cô dâu, chủ rể là nhân viên công tác tại Ga Đà Lạt. Đây cũng là dịch vụ mới sẽ được Tổng Công ty đường sắt Việt Nam áp dụng rộng rãi trong tương lai.
Đám cưới ý nghĩa giữa chú rể Xuân Thịnh (30 tuổi) và cô dâu Tuyết Hoa (24 tuổi) đều là nhân viên nhà ga Đà Lạt. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành đường sắt tặng quà cưới cho cô dâu, chú rể |
Sáng 23/12, ông Đào Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết, trong chiều 22/12 lần đầu tiên ngành đường sắt thử nghiệm loại hình mới: tổ chức đám cưới trên tàu. Điều đặc biệt là tuyến tàu cổ xuất phát từ ga Đà Lạt - Trại Mát là tuyến tàu du lịch chạy chậm với chiều dài tuyến 7km, rất phù hợp để đơn vị triển khai thử nghiệm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn này.
Đoàn tàu lăn bánh qua những vườn rau, hoa xanh mát ven đô, mang theo những lời chúc mừng trên nền nhạc violon lãng mạn của nghệ sĩ |
Ông Tuấn thông tin, đám cưới giữa chú rể Xuân Thịnh (30 tuổi) và cô dâu Tuyết Hoa (24 tuổi) đều là nhân viên nhà ga Đà Lạt. Tàu tổ chức đám cưới cho cặp đôi sẽ được trang trí như xe hoa, xuất phát từ ga Đà Lạt đến Trại Mát và ngược lại, cả đi về là 14km, trong đó có 30 phút tàu dừng tại ga Trại Mát. “Đây cũng là bước khởi đầu để ngành đường sắt mở mô hình tổ chức đám cưới trên tàu cổ trong thời gian tới. Khi hành khách có nhu cầu, công ty sẽ bố trí và trang trí tàu, các dịch vụ đi kèm phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp”, ông Tuấn cho biết.
Người dân hào hứng, thú vị khi chứng kiên đoàn tàu cổ chạy ngang qua trang trí hoa bắt mắt |
Có mặt trên chuyến tàu đặc biệt, ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chia sẻ: “Ngành đường sắt đang thay đổi tư duy của nội ngành. Bên cạnh việc vận tải thuần tuý thì ngành đang mở mang thêm nhiều dịch vụ, giới thiệu, tạo dấu ấn tới người dân, du khách trong và ngoài nước câu chuyện lịch sử, văn hoá, di sản. Thông qua dịch vụ đám cưới trên tàu du lịch hôm nay, chúng tôi mong muốn người dân, du khách có cái nhìn mới đối với ngành đường sắt đang trong giai đoạn nỗ lực thay đổi chính mình”.
Niềm hạnh phúc của đôi uyên ương Xuân Thịnh và Tuyết Hoa |
Trước đó, nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm TP Đà Lạt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ du khách đến tham quan ga Đà Lạt và đi tàu cổ Đà Lạt - Trại Mát. Cụ thể như lắp đặt Wifi, phục vụ nước uống miễn phí trên tàu. Bố trí thợ chụp ảnh miễn phí để chụp ảnh, quay phim phục vụ hành khách tại ga và đi tàu. Trên chuyến tàu cổ tàu Đà Lạt - Trại Mát còn có chương trình hoà tấu âm nhạc từ các nghệ sĩ violin, guitar biểu diễn miễn phí phục vụ hành khách đi tàu. Để thu hút khách tham quan ban đêm trong, ga còn dùng đèn Led định vị để tôn lên các nét kiến trúc của công trình di sản.
Tàu tổ chức đám cưới cho cặp đôi sẽ được trang trí như xe hoa, xuất phát từ ga Đà Lạt đến Trại Mát và ngược lại, cả đi về là 14km |
Ga Đà Lạt cùng với nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà), Trường Cao đẳng Đà Lạt đã trở thành công trình biểu tượng của TP Đà Lạt. Công trình gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư người Pháp Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư cùng đồng nghiệp Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau 5 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành.
Ga Đà Lạt quản lý và vận hành tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam, hiện chỉ 7km. Tuyến đường này phục vụ du khách di chuyển từ trung tâm Đà Lạt đi Trại Mát. Đây cũng là đoạn đường sắt duy nhất còn sót lại từ tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang Tháp Chàm - Đà Lạt năm xưa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin