Lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, em nào cũng mong Tết đến để được ăn ngon, mặc đẹp, sau Tết Nguyên đán lại mong đến rằm tháng Hai đi lễ hội ở đình làng. Tôi cũng không ngoại lệ.
Đình làng Phú Xuyên |
Quê tôi ở xứ Đoài - Sơn Tây. Giữa năm 1964, tỉnh Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành Hà Tây. Năm 1977, Hà Tây sáp nhập với tỉnh Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Cuối năm 1990, tỉnh Hòa Bình trở về vị trí cũ để rồi năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Dân Hà Tây thường nói vui khi ai hỏi ông, bà, anh, chị ở đâu - trả lời: Ở Hà nhì? Sao lại ở Hà nhì. Thì Hà Nội gọi là Hà Nội một. Hà Tây thuộc Hà Nội gọi là Hà nhì đấy mà.
Gia đình tôi ngụ tại làng Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Xã Phú Châu có ba thôn, nằm bên bờ sông Hồng phía tả ngạn, phía Bắc là thôn Phong Châu, giữa là làng Phú Xuyên, cuối là làng Liễu Châu. Quảng Oai là đất phong của vua Gia Long cho con trai - hiệu là Quảng Oai Quận công. Huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông cũng là đất phong của vua Gia Long cho con trai nữa là Thường Tín Quận công. Hai người này là con của vua Gia Long và bà Ngọc Hân công chúa.
Tên cũ của làng tôi là Phúc Xuyên, nhưng vì họ và tên của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh nên gọi Phúc Xuyên là phạm húy, phải đổi thành Phú Xuyên.
Làng Phú Xuyên của tôi có một cái đình được xây vào năm 1435. Hiện trong hậu cung của đình vẫn còn sắc phong của các triều vua Lê. Nội dung là thờ thành hoàng của làng là hai ông Bùi Đôn và Bùi Chẩn. Hai anh em ông Đôn, Chẩn theo Lê Lợi đánh giặc Minh, hy sinh tại làng tôi tại một thửa đất trống rộng hơn một ha. Năm hai ông hy sinh là năm 1422, tại thửa đất trống này. Đuổi xong giặc Minh, một buổi sáng dân làng thấy lạ là đêm qua, ngày qua thửa đất bằng phẳng bỗng sáng nay nổi lên hai ụ mối, ụ to bằng đống rơm. Đêm đó, các cụ già trong làng ngủ mơ thấy hai người đàn ông to cao, khỏe mạnh nói rằng: “Chúng tôi theo vua Lê đi đánh giặc, không may tử trận ở làng này, mong dân làng phải lập đền thờ”.
Các cụ già gặp xã trưởng nói lại là thần báo mộng như thế. Xã trưởng tập trung dân làng bàn việc làm đền hoặc đình thờ để tránh hậu họa.
Trai tráng khỏe mạnh thì lên núi Ba Vì, cách làng tôi 15 km khai thác gỗ, một số khác thì đẽo đá làm cái kê chân cột đình. Còn một bộ phận khác thì sản xuất ngói vảy cá.
Khi có gỗ về, các tốp thợ mộc trong làng tiến hành đục đẽo. Chỉ trong ba tháng, ngôi đình đã hoàn thành. Tổng diện tích nền đình (lát gạch Bát Tràng) 600 m2, các cột đình hình trụ, bào nhẵn, đường kính 80 cm. Đầu chạm trổ những con rồng rất tinh xảo, trông sống động. Sân đình có chiều dài 60 m, rộng 25 m. Bên phải có nhà tả mạc bên trái là nhà hữu mạc. Mỗi nhà rộng 100 m2 dùng làm kho chứa kiệu, cờ, giáo mác (bằng gỗ). Toàn bộ gỗ làm đình đều là gỗ lim. Giáp với sân đình là hồ nước bao la, rộng 3.000 m2, được dân làng đào lấy đất làm nền đình.
Khi tôi 5 tuổi, bố mẹ cho ra hội đình, hội mở ba ngày 15, 16, 17 tháng Hai âm lịch. Bên kia hồ đình là một con đường do dân làng đào đắp rộng 10 m, con đường nối từ đền Thượng xuống đền Hạ.
Vì hai ngôi đền này liên quan đến Đình ở chỗ đó là nơi thờ ông Đôn ở đền Thượng, ông Chẩn ở đền Hạ.
Ngày hội đình, sau một giờ tế lễ, các trai tráng rước hai cái kiệu, một lên đền Thượng, một xuống đền Hạ rồi gặp nhau ở giữa đường và sau đó một cái men bờ hồ phía Nam, một cái men bờ hồ phía Bắc đi vào cổng để tiến vào sân đình. Từ sân đình lên thềm đình là năm bậc đá xanh, từ thềm bước vào trong đình là ba bậc cũng bằng đá xanh.
Sau phần lễ là phần hội. Gồm trò đấu vật, múa kiếm ở sân đình sau đó là phần thi bơi tại hồ đình, sau thi bơi là phần thi đi trên thân gỗ tròn to nhẵn. Hai đầu cây gỗ được buộc dây rồi treo lên một cái gọi là ba trạc, ai đi được từ đầu này sang đầu kia của cây gỗ mà không ngã xuống nước thì người đó thắng. Nghe các cụ già trong làng kể lại thì giải thưởng là một cặp bánh chưng và một tấm vải lụa tơ tằm đủ may chiếc áo.
Hội đình làng tôi duy trì đến hết tháng 10/1964 thì hoãn vì người Mỹ ném bom khắp miền Bắc, không tụ tập đông người để tránh thương vong. Mãi đến năm 1990, Hội đình làng Phú Xuyên được mở lại cho đến nay, nhưng không còn mở hàng năm mà 5 năm mở một lần.
Tại sân đình này, hàng trăm thanh niên làng tôi lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc đều được Đảng, chính quyền xã tổ chức tặng quà tiễn đưa. Trước năm 1990 trở lại đây, sân đình cũng là nơi diễn chèo, chiếu phim phục vụ Nhân dân cả ba thôn trong xã Phú Châu, là nơi sinh hoạt Đoàn Thanh niên, mỗi tháng một lần vào buổi tối ngày mùng 1 đầu tháng.
Lúc tôi ở tuổi thiếu niên, nghe người lớn nói đình làng rất thiêng. Có người dám lấy một cán cờ to bằng cổ tay về cắt đôi làm cán xẻng, cán cuốc. Sau hai ngày tự nhiên ngã tại sân nhà mình, không đi lại được và nói ngọng vì méo miệng, các con ông phải đem mâm xôi, con gà, chai rượu ra đình cúng mới khỏi. Đầu năm 1990, đình làng Phú Xuyên được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử. Trong ba ngày 14, 15, 16 tháng Hai âm lịch năm ấy làng tôi mở hội đón bằng công nhận.
Năm 2012, tôi về thăm quê đúng dịp xã Phú Châu được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” vì có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc năm 1979, dân làng lại mở hội đông vui.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin