Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk hiện là làng gốm cổ duy nhất còn lại của người M’nông Rlăm ở Tây Nguyên. Trải qua những năm tháng thăng trầm, đến nay, nghề gốm cổ thủ công nơi đây vẫn được những nữ nghệ nhân tâm huyết lưu giữ và phát triển.
Phần đất sét được những người phụ nữ M’nông Rlăm giã nhuyễn |
Là một người “giữ lửa” và “truyền lửa”, nghệ nhân H’Lưm Uông đã luôn kiên trì trao truyền cho lớp trẻ kế cận những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc mình. “Nghề làm gốm của làng từng có giai đoạn cực thịnh, nhưng đến thời nay, chỉ còn một số ít nghệ nhân đã lớn tuổi là còn gìn giữ được nét độc đáo của gốm cổ làng nghề Yang Tao”, nghệ nhân H’Lưm Uông tâm sự.
Theo nghệ nhân H’Lưm Uông, một sản phẩm gốm đặc trưng chỉ thuộc về Yang Tao, yêu cầu nguồn đất sét phải dẻo mịn, không pha tạp chất và được lấy từ chính nguồn nước sạch tại dọc sâu các bãi bồi ở bản làng. Bởi lẽ, chỉ khi lấy được nguyên liệu đúng, đủ, tốt thì đến công đoạn nung đất mới không bị vỡ, rạn nứt dẫn đến nổ.
Thợ làm gốm Yang Tao nỗ lực, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường |
Ngay sau đó, sẽ là quá trình chế tác với nhiều công đoạn độc đáo, những phần đất sét thô sẽ được những nữ nghệ nhân lành nghề đặt trên một mặt gỗ phẳng, sử dụng lực vừa đủ và bắt đầu giã phần đất đã được ước lượng cho đến khi đất thật sự hoà quyện và trở thành một khối dẻo kết dính.
Sau khi xong phần giã, khối đất được đem đi kéo đều thành nhiều lọn sợi, rồi cuộn thành từng vòng theo kiểu xoắn ốc và được sắp xếp từ đáy lên, độ cao, dày tùy thuộc vào hình dạng sản phẩm mà người làm gốm muốn. Tiếp đến, không giống như những làng gốm khác dùng bàn xoay để sản xuất đồ gốm, những người thợ M’nông Rlăm ở Tây Nguyên sẽ vừa di chuyển xung quanh vật, vừa dùng tay miết để tạo hình sản phẩm, rồi đem phơi dưới trời nắng để sản phẩm săn, khô lại đến một mức độ nhất định.
Gốm cổ Yang Tao mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên |
Để rồi đến với bước trang trí cho sản phẩm, dưới bàn tay tỉ mỉ của những nghệ nhân sẽ chạm, khắc, vẽ những hoạ tiết theo sức sáng tạo và trí tưởng tượng của mình. Dụng cụ để trang trí có thể là bất cứ thứ gì như một nhánh tre, một cành cây, đá đánh bóng, đồng xu, vỏ sò…
Khi đã hoàn thành hoa văn, người thợ sẽ đem sản phẩm đi nung lộ thiên. Khâu tạo màu cho sản phẩm, chủ yếu là màu khói đen được tạo từ phần tro đốt ra và màu nâu nhạt của đất sau khi nung. Sản phẩm được nung từ 1 - 2 tiếng đồng hồ là hoàn thành.
Cùng sự đồng hành của những nghệ nhân tâm huyết giữ nghề như bà H’Lưm Uông và sự chủ động vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành chức năng, thời gian tới, dòng gốm cổ làng Yang Tao kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hoá làng nghề theo hướng bền vững; tạo nên sức sống mới cho làng gốm cổ nổi tiếng của người M’nông Rlăm tại Tây Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin