Chuyện kể dưới lòng đất

THÀNH NAM 06:31, 25/01/2024

Tôi không biết những đoàn khách khác khi đến với Địa đạo Vịnh Mốc tại Quảng Trị có cảm nhận như thế nào nhưng riêng đoàn khách đến từ Hà Nội - những người đi cùng tôi trong chuyến tham quan lần này đều rất ngạc nhiên khi có mặt tại điểm đến có một không hai ở mảnh đất miền Trung này: Tuyệt vời, không thể tin được là dưới lòng đất lại có một cuộc sống, có những điều kỳ diệu diễn ra như thế! 

Địa đạo Vịnh Mốc - huyền thoại dưới lòng đất
Địa đạo Vịnh Mốc - huyền thoại dưới lòng đất

Quảng Trị - mảnh đất cày nên sỏi đá, là nơi khổ hơn cả chữ khổ trong cả thời chiến lẫn thời bình. Tuy nhiên, trong dặm dài đau thương ấy, người Quảng Trị vẫn rất anh dũng và kiên cường. Để vô hiệu hóa những trận mưa bom bão đạn, với những vũ khí tối tân và hiện đại của địch, người dân nơi đây đã có nhiều cách để đối phó. Trên mặt đất khó sinh tồn, họ chuyển vị trí xuống dưới lòng đất. Khó vậy nhưng họ vẫn làm được. Hôm nay, về với Địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để nghe những điều kỳ diệu diễn ra trong lòng đất sâu. Những câu chuyện diễn ra cách đây mấy chục năm trước nhưng khi được kể lại vẫn nồng nàn cảm xúc, nó khiến cho người đọc, người nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. 

Quảng Trị ngày không mây, Địa đạo Vịnh Mốc chào đón chúng tôi bằng cơn gió mát rượi từ những hàng tre xanh mướt. Sau khi mua vé vào cổng, đoàn chúng tôi được một hướng dẫn viên tại Địa đạo Vịnh Mốc hướng dẫn tham quan và bắt đầu hành trình khám phá những điều kỳ diệu dưới lòng đất với một sự hào hứng đặc biệt. Địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng từ năm 1965. Theo Hiệp định Ge-neva năm 1954, Việt Nam bị chia cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17. Từ khi, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam bằng không lực, thì mảnh đất Vĩnh Linh phía Bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến. Do đó, hệ thống làng hầm - địa đạo đã ra đời để người dân sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Hệ thống làng hầm này hình thành và phát triển ở khắp địa phương và Vịnh Mốc là nơi tiêu biểu nhất. Địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng: tầng 1, cách mặt đất từ 8 - 10 m. Tầng này dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn. Tầng 2, cách mặt đất từ 12 - 15 m là nơi sinh sống của dân làng và tầng 3, sâu cách mặt đất 20 - 23 m, dùng làm kho chứa lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu của quân và dân Địa đạo Vịnh Mốc. Dọc hai bên đường, địa đạo khoét sâu 1,8 m và rộng 0,8 m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 - 4 người có thể sinh hoạt được. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người, dùng để làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ và một số công trình khác như: Bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn. Địa đạo Vịnh Mốc còn có hệ thống giao thông hào nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau tạo nên một “hệ thống làng hầm” liên hoàn trong toàn khu vực. Từ năm 1965 - 1968, toàn huyện Vĩnh Linh đã đào được 114 địa đạo, hơn 90 ngàn hầm lán, 2.098.000 m giao thông hào với tổng khối lượng đất đá là gần 4 triệu m3, tương ứng với 7,5 triệu ngày công. 2.000 ngày đêm, đó là quãng thời gian dài để duy trì sự sống trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc và nơi đây đã có những điều kỳ diệu xảy ra. Chính đầu óc và bàn tay con người đã tạo nên những điều kỳ diệu ấy. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt đã có 17 em bé được sinh ra dưới lòng địa đạo. Mặc dù cái nắng ở Quảng Trị vốn không chiều lòng người nhưng khi xuống địa đạo thì nơi đây lại dễ chịu và mát mẻ. Điều đặc biệt là trên đường đi của địa đạo, thi thoảng ta bắt gặp những bóng điện được Ban Quản lý Khu di tích thắp dưới lòng đất. Chính hệ thống điện này giúp du khách dễ dàng di chuyển khi tham quan. 

Kết thúc chương trình tham quan địa đạo, du khách sẽ đi ra cửa số 4 và giáp với biển, một không gian rất thoáng đảng, tràn ngập sóng, gió hiện ra trước mắt. Không quá nhiều thời gian nhưng hành trình tham quan Địa đạo Vịnh Mốc vẫn là một điều đáng nhớ cho bất cứ du khách nào khi đến vùng đất thép Quảng Trị. “Tôi đã từng đến Địa đạo Củ Chi nhưng khi đến Địa đạo Vịnh Mốc vẫn không khỏi bất ngờ với nhiều điều thú vị, ngạc nhiên. Kết thúc chuyến tham quan địa đạo lần này không những tôi mà anh chị em trong đoàn đều thán phục ý chí, nghị lực, sự thông minh của người dân Vĩnh Linh trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt như thế. Dưới lòng đất mà cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, thật sự là không thể tin được”, anh Dương Thế Minh đến từ Hà Nội cảm nhận về Địa đạo Vịnh Mốc.

Sự hình thành và tồn tại của Địa đạo Vịnh Mốc cho đến nay không chỉ là điều bất ngờ đối với cá nhân tôi, anh Minh mà còn của rất nhiều vị khách khi đến tham quan nơi này. Ngạc nhiên, thán phục nhưng những gì diễn ra nơi đây vẫn là sự thật. Đó là biểu tượng của khát vọng sống, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần, ý chí tuyệt vời của quân và dân Vĩnh Linh. Hòa bình lập lại, chiến tranh đã lùi xa, sự ác liệt, đau thương và mất mát đã nhường lối cho đủ đầy và cơm no, áo ấm, nhưng khi nhắc đến Vịnh Mốc, đây vẫn là câu chuyện được xem là huyền thoại diễn ra dưới lòng đất.