Giải pháp phát triển du lịch Lâm Đồng trở thành ''Thiên đường xanh''

NHẬT QUÂN 06:44, 11/01/2024

Quyết định 1727/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12/2023, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Lâm Đồng có 2  khu du lịch cấp Quốc gia là Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm và Khu du lịch Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng, 26 khu du lịch cấp tỉnh... Vấn đề của tỉnh và các địa phương là tìm kiếm giải pháp để phát triển Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” du lịch...

Các chương trình biểu diễn ở những di sản kiến trúc chính là sự hấp dẫn của sáng tạo nghệ thuật
Các chương trình biểu diễn ở những di sản kiến trúc chính là sự hấp dẫn của sáng tạo nghệ thuật

Phương án phát triển các khu du lịch cũng được định hướng trong Quyết định 1727/QĐ-TTg. Đó là, phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế: TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế; TP Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và khai thác các khu du lịch hiện có; mở rộng Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, đầu tư đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh...). Bên cạnh đó, sẽ phát triển một số khu du lịch mới gắn liền với danh thắng thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, các hồ thuỷ lợi có tiềm năng phát triển du lịch; tăng cường liên kết vùng...

Liên kết quảng bá và phát triển thị trường du lịch vùng và quốc tế nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch
Liên kết quảng bá và phát triển thị trường du lịch vùng và quốc tế nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch

Theo ông Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt: Lâm Đồng đã có sẵn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, yếu tố địa lý và lịch sử, con người và định hướng phát triển du lịch có chiều sâu từ quá khứ đến ngày nay... là những điều kiện thuận lợi nhất định tạo nên một Lâm Đồng, một điểm đến du lịch mang sắc thái riêng độc đáo của Tây Nguyên, của Việt Nam và hội nhập du lịch quốc tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, tăng doanh thu xã hội từ du lịch, vai trò của hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương, tìm kiếm các nhà đầu tư tốt và định hướng phát triển du lịch bền vững... thì việc phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao là vấn đề sống còn. 

Khu ẩm thực đêm thu hút du khách đến Vườn hoa thành phố vào khung giờ tối
Khu ẩm thực đêm thu hút du khách đến Vườn hoa thành phố vào khung giờ tối

“Thay đổi mới tồn tại”, thay đổi một cách tích cực để đạt các mục tiêu kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố văn hóa - xã hội, cảnh quan - sinh thái - môi trường đặc thù Lâm Đồng. Đây chính là giá trị cốt lõi trong sự phát triển du lịch Lâm Đồng, trong thời gian tới. Các tiêu chí cụ thể: Với du khách là an toàn -  chất lượng - đẳng cấp; với thị trường tiêu thụ là cung ứng nguồn nông sản chất lượng, an toàn, ổn định; với nhà đầu tư là an toàn - tiềm năng; với cộng đồng dân cư là một vùng đất đáng sống...

Từ vị thế của một người vừa hoạt động, vừa nghiên cứu đào tạo trong lĩnh vực du lịch, ông Cao Thế Anh đề xuất các nhóm giải pháp phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững hướng đến “Thiên đường xanh”, gồm 6 nhóm chính. Bao gồm: Nhận thức xã hội về du lịch chất lượng cao và bền vững. Đây là một trong những bước đầu tiên, phải luôn hiện diện và ưu tiên hàng đầu cho tất cả tầng lớp xã hội, từ công chức chính quyền, cư dân địa phương, du khách, nhà kinh doanh du lịch và đầu tư trong tất cả các lĩnh vực trên địa bàn Lâm Đồng, nhằm duy trì và triển khai thường xuyên nội dung Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, thông qua các chương trình hành động và phong trào chất lượng dịch vụ hoàn hảo thuộc các nhóm ngành nghề du lịch; tăng cường hỗ trợ tái đầu tư (tăng trưởng xanh) từ ngành Du lịch cho các ngành nghề khác và tăng tối đa doanh thu xã hội từ du lịch để người dân nhận thức được vai trò ngành kinh tế dịch vụ du lịch Lâm Đồng; xây dựng ý thức hệ phát triển Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh”...

Các giải pháp về sản phẩm đặc trưng và cốt lõi nhằm đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch Lâm Đồng, với các loại hình sản phẩm đặc trưng chính: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (golf, đua ngựa), du lịch sinh thái - mạo hiểm, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch đô thị, du lịch sáng tạo...; liên kết vùng với: Hoa và biển (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên), Con đường di sản miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế), Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (các tỉnh Tây Nguyên), Di sản văn hóa thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (các tỉnh Tây Nguyên)... Ngoài ra, còn có các sản phẩm du lịch giáo dục và chuyển giao công nghệ môi trường với các trung tâm  lớn trong nước (TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội) và quốc tế.

Ông Cao Thế Anh cũng đưa ra các gợi ý về giải pháp cho thị trường du lịch và đầu tư du lịch; chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển; công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các giải pháp khác, để hình thành nên chuỗi giá trị góp phần nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch Lâm Đồng và phát triển bền vững. Trong đó, nhấn mạnh việc hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước - Trung tâm Xúc tiến - Hiệp hội Du lịch và tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn Lâm Đồng trong việc tìm kiếm và khai thác các thị trường tiềm năng, có khả năng chi trả cao và ổn định; cũng như tìm kiếm nhà đầu tư du lịch có năng lực và sức ảnh hưởng thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng, cũng cần tập trung hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông: Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Nha Trang - Đà Lạt; mở rộng và nâng tầm Cảng hàng không quốc tế Liên Khương; tăng cường thu hút đầu tư các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh và âm nhạc... lấy TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc làm trung tâm, liên kết các vùng phụ cận. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh kinh tế đêm Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung; xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, trật tự đô thị; nâng cao nghiệp vụ xử lý khủng hoảng truyền thông khi có các rủi ro hay tai nạn ảnh hưởng đến du lịch... cũng như, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, số hóa dữ liệu du lịch hướng đến dịch vụ chất lượng cao và bền vững...