(LĐ online) - Ngày 28/5, UBND huyện Đơn Dương đã tổ chức hội nghị Kết nối Du lịch trên địa bàn huyện năm 2024. Chương trình nhằm kết nối doanh nghiệp tại địa phương và các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh, từ đó định hướng, xác định hướng đi, giải pháp phát triển du lịch Đơn Dương “cất cánh”.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo huyện Đơn Dương, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh hội nghị |
* Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Huyện Đơn Dương hội tụ khá nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch như: Có quốc lộ 27 đi qua, cận kề cửa ngõ các tỉnh miền Trung vào Lâm Đồng - Đà Lạt, tiếp giáp với trung tâm kinh tế Đức Trọng, khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt các loại rau, hoa; là điểm dừng chân du khách trước và sau khi đến và đi Đà Lạt để thưởng thức không khí, thắng cảnh rừng núi như đèo Ngoạn Mục, hồ Đa Nhim, hồ Pró, đồi La Ba - Ka Đơn. Đặc biệt, năm 2019 huyện Đơn Dương được Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương lựa chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025. Với tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp, sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao thì du lịch canh nông là một trong những lợi thế để phát triển du lịch của huyện Đơn Dương.
Những năm gần đây, được sự quan tâm, sự hỗ trợ của các sở, ngành, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị của huyện Đơn Dương, lĩnh vực du lịch đã có những bước phát triển quan trọng và đạt được những kết quả như sau: Công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh về con người, địa phương đối với du lịch; tăng cường các hoạt động và hình thức thông tin giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương trên nhiều phương tiện và dưới nhiều hình thức để thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan đã làm tốt công tác phối hợp với ngành văn hóa để tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên trang về phát triển du lịch đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân và cộng đồng.
Về công tác quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch, UBND huyện đã triển khai công tác xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn nhằm phân định ranh giới và quỹ đất dành cho phát triển du lịch. Từ đó, một số xã, thị trấn đã tích cực triển khai xây dựng các đề án, dự án, công trình phát triển du lịch như: Thị trấn Thạnh Mỹ triển khai kế hoạch trùng tu tôn tạo đình Thạnh Nghĩa; thị trấn D’ran triển khai kế hoạch trùng tu tôn tạo đình Càng Rang; dự án đầu tư bến xe Đơn Dương đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, dự án đầu tư Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã và đang tiếp tục triển khai xây dựng.
Đây cũng một trong những địa phương được chọn làm thí điểm Đề án xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, qua đó giúp địa phương định hình công tác quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, điều này đã khẳng định vai trò của kinh tế du lịch trong sự phát triển chung của tỉnh. Huyện đã bước đầu gắn quy hoạch phát triển du lịch trong quy hoạch chung, tổ chức các hoạt động và các hình thức thông tin giới thiệu các tiềm năng du lịch trên địa bàn để mời gọi đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch, khảo sát và tiến hành quy hoạch làng nghề truyền thống ở một số thôn vùng đồng bào dân tộc.
Du lịch giao lưu văn hóa các dân tộc bản địa là điểm đặc trưng của du lịch Đơn Dương |
Các sản phẩm, loại hình du lịch trên địa bàn huyện Đơn Dương cũng được đánh giá khá đa dạng, phong phú như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông. Có thể nói, bước đầu huyện Đơn Dương đã trở thành địa điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối tượng du khách trẻ tuổi ưa tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Hiện nay huyện Đơn Dương có trên 10 mô hình du lịch bao gồm các hộ cá thể và doanh nghiệp phát triển du lịch theo hướng canh nông và phát huy giá trị văn hóa của người bản địa. Trung bình mỗi năm Đơn Dương đón khoảng 60.000 đến 80.000 lượt khách đến tham quan (đa số là khách tự phát đến tham quan check in, khách lưu trú lại thì rất ít).
Samten Hills Dalat đưa Đơn Dương có tên trên bản đồ du lịch thế giới |
Đặc biệt nhất trong phát triển du lịch thời gian qua chính là Samten Hills Dalat với Đại bảo tháp Kinh luân, bánh xe cầu nguyện lớn nhất thế giới được xác lập bởi tổ chức Guinness World Records. Bên cạnh đó, đây cũng là "Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn châu Á - Thái Bình Dương" được vinh danh bởi Liên hiệp các hội UNESCO.
* Mở đường cho du lịch “cất cánh”
Tại hội nghị kết nối, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn huyện như: Công ty Cổ phần Samten Hills Đà Lạt, công ty TNHH AVOCADO, công ty TNHH Du lịch Thạnh Mỹ… cũng đã giới thiệu các chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, hội nghị cũng tiến hành trao đổi về chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện. Ở phần trao đổi, các câu hỏi, giải đáp và các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới cũng đã diễn ra sôi nổi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Trần Hùng Dũng nhấn mạnh: Huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch. Tăng cường triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch; qua đó, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, hướng đến mỗi người dân thực sự là một hướng dẫn viên du lịch; có giải pháp thực tế để nâng cao tính cộng đồng trong hoạt động du lịch.
Một số nội dung trọng tâm như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch mà trong đó định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa (bao gồm văn hóa bản địa, kiến trúc đặc thù, du lịch tâm linh...); Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; Du lịch thể thao mạo hiểm; Du lịch canh nông gắn với quảng bá, tiêu thủ nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng cần đẩy mạnh; tăng cường nguồn vốn ngân sách trong công tác xúc tiến quảng bá. Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch và cổng thông tin điện tử cập nhật thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh và cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư,..; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tính chuyên nghiệp cho dội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xúc tiến, đầu tư du lịch. Đồng thời, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch
Hội nghị cũng tiến hành ký kết các ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch tại địa phương và giữa các doanh nghiệp lữ hành với doanh nghiệp địa phương.
Trong thời gian sắp tới, để khai thác tốt những tiềm năng thế mạnh hiện có, giúp phát triển du lịch Đơn Dương theo hướng bền vững, kết nối với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh tạo thành những chương trình tour, tuyến hấp dẫn thu hút du khách. Đơn Dương phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030: Du lịch cơ bản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững. Tăng tỉ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP của huyện đến năm 2030 đạt trên 40%. Số lượt khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 11% - 12%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm từ 15% trong tổng số khách du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp đạt chuẩn, số phòng đạt chuẩn cao cấp chiếm trên 27% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, trong đó có 85% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch đạt trình độ sơ cấp trở lên. Ngày lưu trú bình quân đạt trên 2,5 ngày. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin