Trăn trở với du lịch Đơn Dương

LÊ HOA 04:44, 30/05/2024

Ngày 28/5/2024, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024, UBND huyện Đơn Dương tổ chức Hội nghị kết nối du lịch. Nhiều ý kiến trong hội nghị của đại diện những đơn vị hoạt động du lịch, đơn vị quản lý du lịch, cho thấy Đơn Dương có những tiềm năng du lịch khác biệt; chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch... Nhưng...

Những đơn vị hoạt động du lịch ở Đơn Dương và lãnh đạo huyện, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch của Lâm Đồng
kỳ vọng về du lịch Đơn Dương trong thời gian tới
Những đơn vị hoạt động du lịch ở Đơn Dương và lãnh đạo huyện, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch của Lâm Đồng kỳ vọng về du lịch Đơn Dương trong thời gian tới

LỢI THẾ CÓ SẴN, TIỀM NĂNG DỒI DÀO

Đơn Dương nằm ở cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng, kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung qua đèo Ngoạn Mục – một trong những cung đường đèo đẹp của Việt Nam. Đơn Dương được biết đến là địa phương có tài nguyên về văn hóa - du lịch đa dạng và phong phú. Đơn Dương hấp dẫn du khách chính là ở sự kết hợp tổng quan, hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên với bản sắc đặc trưng của các tộc người. Đơn Dương còn đang sở hữu một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, được biết đến là vựa rau chuyên canh lớn nhất tỉnh. Đơn Dương rất thu hút khách du lịch bởi những đồi hoa dại dã quỳ, cánh đồng hoa dướng dương, hoa cải bạt ngàn, vườn quýt ngon ngọt... Bên cạnh đó là những công trình kiến trúc tâm linh (chùa Giác Nguyên, nhà thờ Ka Đơn, Samten Hills Dalat...), những làng nghề (bánh tráng Lạc Lâm, gốm Pró, bạc Tu Tra...)...; và những tài nguyên du lịch đặc sắc và khác biệt khác, như Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đồi thông Châu Sơn, đèo D'ran, suối Đa Mân...

Chính quyền địa phương cũng nhận định: Vị trí địa lý, tiềm năng du lịch tạo cho Đơn Dương nhiều lợi thế trong liên kết vùng để hình thành các tour du lịch, hoặc kết nối với các tuyến, điểm du lịch quan trọng của tỉnh... Huyện cũng ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch... tập trung quy hoạch và phát triển du lịch; đồng thời, xác định phát triển các dịch vụ - du lịch là nhiệm vụ chiến lược để góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương…

Mùa quýt ở Đơn Dương
Mùa quýt ở Đơn Dương

• VÌ SAO DU LỊCH ĐƠN DƯƠNG CHƯA KHỞI SẮC?

Tại Hội nghị kết nối du lịch Đơn Dương, đại diện các doanh nghiệp lữ hành của Lâm Đồng: Vietravel, Song Châu, THT, Nam Lâm Đồng..., cho biết sẵn sàng kết nối, hợp tác để Đơn Dương đón khách du lịch, khai thác tiềm năng du lịch đặc sắc của Đơn Dương... nếu Đơn Dương khắc phục được những trở ngại đang là rào cản du lịch của địa phương... 

Cụ thể, Đơn Dương là địa phương có diện tích chuyên canh rau lớn nhất tỉnh, vì vậy, du lịch canh nông chính là lợi thế đặc trưng, nhưng Đơn Dương lại quá tập trung phát triển nông nghiệp, nên những yếu tốt cần thiết để phát triển du lịch canh nông chưa được chú trọng. Đó là hạ tầng du lịch, như: đường sá, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống ở Đơn Dương chưa đồng bộ... (bà Dương Thị Hiền - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đơn Dương là vựa rau nguyên liệu lớn, nhưng sản phẩm trên bàn ăn chưa đặc sắc, chưa hình thành nên con đường du lịch “từ trang trại đến bàn ăn”... do thiếu tính liên kết trong hoạt động du lịch (ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt)...

Huyền bí những làng nghề
Huyền bí những làng nghề

Những công dân sinh ra và lớn lên ở Đơn Dương đang hoạt động du lịch có những ấp ủ thân thương về quê hương mình. Đó là những con đường quanh co dưới hàng thông mát rượi, đi qua những làng quê nông thôn mới của các vùng dân cư với những nét đặc trưng riêng biệt,... như: Quảng Lập của người Quảng với món mì Quảng, Lạc Xuân với cộng đồng người Churu và ẩm thực đặc sắc quanh bếp lửa, D'ran với tour du lịch khám phá miền đất ngang lưng đèo... (Phan Thanh Nhân - chủ nhân Avocado farm, Nguyễn Quốc Hiếu - Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành THT, Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Công ty Du lịch Song Châu...).

Các đơn vị quản lý du lịch cũng có nhiều ý kiến rất chất lượng: Không ai làm du lịch tốt bằng người địa phương, nhất là quảng bá hình ảnh, sản phẩm của địa phương mình đến du khách (bà Võ Thị Hoàng Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng); Đơn Dương có đủ điều kiện để xây dựng các loại hình du lịch đặc trưng, như: du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và có thể kết nối để hình thành có tour, tuyến du lịch hấp dẫn (ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cần có quyết tâm của lãnh đạo để tăng tính liên kết trong dịch vụ du lịch, tránh để các đơn vị hoạt động đơn độc dẫn đến nản (như Dalat Milk), cần tạo sự kết nối để khai thác chiều sâu văn hoá cộng đồng (ông Tưởng Hữu Lộc)...

Trước cổng Làng văn hóa du lịch Pró
Trước cổng Làng văn hóa du lịch Pró

Ghi nhận những ý kiến thật - chất và chân tình của các đại biểu đến tham dự hội nghị, ông Trần Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: Đơn Dương cần đổi mới về phương pháp và tư duy làm du lịch. Dù có định hướng, có nghị quyết, nhưng do chưa có giải pháp đúng thực tế, đúng thực chất để phát huy tiềm năng, phát triển du lịch đặc trưng khác biệt… Chính quyền cũng tiếp thu góp ý về phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng du lịch làng nghề, phát triển du lịch canh nông, tăng cường liên kết, quảng bá…